Cú bắt tay bất ngờ giữa các nhà sản xuất xe hơi Nhật, Mỹ
(Dân trí) - Lần đầu tiên trong lịch sử, 6 ông lớn - 6 đối thủ không đội trời chung của ngành sản xuất ôtô thế giới đã xích lại gần nhau hơn để chung sức đối mặt với 1 vấn đề thương mại. Nguyên nhân sự kiện bất thường này xuất phát từ đâu?
General Motors, Toyota, Ford, DaimlerChrysler AG, Honda và Nissan - 6 nhà sản xuất ôtô hàng đầu của Mỹ và Nhật Bản hy vọng, sức mạnh liên minh hùng hậu sẽ đủ sức thuyết phục Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ chấm dứt áp dụng thuế trừng phạt đối với 1 số loại thép nhập khẩu vào nước này, giúp họ nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ngày 17/10 sắp tới, Ủy ban thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ lắng nghe phiên điều trần và chính thức quyết định có bãi bỏ thuế trừng phạt đối với 1 số sản phẩm thép lá carbon “chống ăn mòn” hay không.
Lệnh trừng phạt này được áp dụng lần đầu tiên năm 1993 và ITC có ý định sẽ gia hạn thêm 5 năm nữa.
Theo ngài Ken Cole, phó trưởng Ban quan hệ chính phủ của tập đoàn GM trong lá thư gửi tới Quốc hội Hoa Kỳ: hàng năm, 6 công ty chi đều đặn số tiền 200 tỷ USD để mua nguyên vật liệu, linh kiện và dịch vụ cho hoạt động sản xuất trong nước, đồng thời là nguồn tiêu thụ khối lượng khổng lồ từ các nhà máy thép của Mỹ.
“Sức mạnh của những dây chuyền lắp ráp xe hơi trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tìm kiếm nguồn nguyên liệu hiệu quả, ở mức giá phải chăng so với thế giới”.
Chính sách bảo hộ đang áp đặt rõ ràng đẩy cán cân lợi ích về phía các nhà sản xuất thép trong nước. Điều này khiến nhóm liên minh xe hơi phẫn nộ, rằng thuế suất tăng đã góp phần đẩy chi phí sản xuất lên cao đáng kể, đẩy họ vào tình thế bất lợi trên thị trường quốc tế, rằng ngành công nghiệp thép đã đến lúc phải tự bươn chải cho số phận của mình.
Hải Minh
Theo AP