1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

CPTPP được ký kết: Cơ hội rất lớn, quan trọng doanh nghiệp sẽ "chớp" thế nào!

(Dân trí) - Vào rạng sáng nay (9/3) theo giờ Hà Nội, 11 quốc gia thành viên của Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức ký kết hiệp định này.

Các Bộ trưởng đã bày tỏ quyết tâm sẽ nỗ lực hết sức hoàn thành một cách nhanh chóng các thủ tục pháp lý trong nước nhằm sớm đưa Hiệp định vào thực thi.
Các Bộ trưởng đã bày tỏ quyết tâm sẽ nỗ lực hết sức hoàn thành một cách nhanh chóng các thủ tục pháp lý trong nước nhằm sớm đưa Hiệp định vào thực thi.

Đây là một trong những hiệp định thương mại quan trọng bậc nhất nhằm gỡ bỏ các rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

11 thành viên tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Hiệp định CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu người với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Việc ký kết CPTPP là một thông điệp mạnh mẽ về thương mại tự do vì lợi ích của người dân các nước chúng ta, nhằm chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Về phía Việt Nam, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, và có thể trong phiên họp quốc hội cuối năm nay, chính phủ Việt Nam sẽ trình hiệp định để quốc hội xem xét và thông qua".

Ước tính, CPTPP sẽ được chính thức triển khai từ cuối năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019. Các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ giúp định hình tương lai kinh doanh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong nhiều năm tới dù không có sự tham gia của Mỹ.

Không ai phủ nhận, cơ hội của CPTPP đem đến là rất nhiều. Đây là một hiệp định có tiêu chuẩn cao, có lộ trình cắt giảm thuế nhanh và sâu. Cụ thể là có tới 95 - 98% số dòng thuế sẽ được cắt giảm về 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực, thay vì phải mất 5 - 7 năm như quy định tại hầu hết các hiệp định thương mại song phương.

Tuy nhiên, khi 100% dòng thuế đối với tất cả hàng hóa sẽ về 0% theo lộ trình thì cơ hội cũng chính là những thách thức không hề nhỏ đối với doanh nghiệp.

Trao đổi với Dân trí, TS. Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) - Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, đối với doanh nghiệp Việt Nam, cơ hội lớn nhất là mở rộng thị trường nhờ cắt giảm thuế và dỡ bỏ rào cản thương mại để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên theo vị này, việc tận dụng ưu đãi thuế quan của các doanh nghiệp Việt Nam bấy lâu này còn khá là thấp. Do vậy, để "chớp" lấy cơ hội từ hiệp định, doanh nghiệp cần có chiến lược rõ ràng. Đồng thời, vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra cơ chế để doanh nghiệp có thể tận dụng được cơ hội là rất lớn.

"Năng suất nền kinh tế, các ngành nghề nói riêng cũng phải cải thiện mới tận dụng được. Cơ hội không thể biến thành lợi ích thực tế nếu chúng ta không biết tận dụng", Phó Giám đốc NCIF cũng nhấn mạnh.

Nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện và công việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách để hướng tới tăng trưởng bền vững và những nhân tố tổng hợp có tính tích cực tạo ra giá trị gia tăng của kinh tế. Đó mới là những yếu tố quyết định.

Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, ở một khía cạnh theo chiều quy mô ai cũng thấy nhỏ đi khi không có Mỹ tham gia. Nhưng nếu tích cực thì phải thấy nếu không có CPTPP thì chúng ta còn không có gì. Do vậy, theo vị này, dù sao có vẫn có lợi thế hơn so với việc không có.

Trước cơ hội cũng như thách thức mới từ CPTPP, Tổng giám đốc Vinatex cho rằng áp lực cạnh tranh ở đây không chỉ có doanh nghiệp mà cả khu vực quản lý nhà nước. Cơ chế, thể chế có thay đổi, có đổi mới thì doanh nghiệp mới có cơ hội để phát triển.

Nguyễn Khánh

CPTPP được ký kết: Cơ hội rất lớn, quan trọng doanh nghiệp sẽ "chớp" thế nào! - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm