Covid-19 khiến hàng loạt nhà máy tại Việt Nam "cháy" nguyên liệu, linh kiện

(Dân trí) - Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu trong cuộc thương chiến Mỹ - Trung, nhưng Covid-19 đã khiến nhiều nhà máy tại Việt Nam ngừng trệ do thiếu nguồn cung cấp linh kiện và nguyên liệu từ Trung Quốc.

Covid-19 khiến hàng loạt nhà máy tại Việt Nam cháy nguyên liệu, linh kiện - 1

Dịch Covid-19 khiến nhiều nhà máy tại Việt Nam "cháy" nguyên liệu, linh kiện

Các nghiên cứu cho thấy, các quốc gia Đông Nam Á là những nước liên kết với chuỗi cung ứng của Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực. Do đó, việc các nhà máy tại Trung Quốc đình trệ sản xuất đã ảnh hưởng lớn đến các công ty Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.

Nhìn thoáng qua tình hình một nhà máy đóng gói hàng hóa có 10.000 nhân viên tại Hà Nội, ông Stuart Donegan cho hay: “Một cơn sóng lớn sắp ập đến Việt Nam.”

Ngoài công ty đóng gói hàng hóa tại Hà Nội, công ty của ông Donegan - Sino Manufacturing, còn có kế hoạch tuyển dụng 1.500 nhân viên cho nhà máy của mình tại TP.HCM. Ngoài ra, ông còn có 3 nhà máy khác tại Trung Quốc và Indonesia để sản xuất bao bì hàng hóa điện tử. Công ty của ông hiện đang hợp tác với 2 trong số 5 công ty điện tử lớn nhất thế giới.

Nhưng với tình hình hoạt động sản xuất bị ngưng trệ trong suốt hơn 1 tháng qua của các nhà máy sản xuất linh kiện ở Trung Quốc - nơi sản xuất nhiều bộ phận cho dây chuyền lắp ráp trên khắp thế giới, nhiều nhà máy ở Việt Nam dự kiến sẽ bị cháy linh kiện trong vài tuần tới.

Ông Donegan nói rằng: “Nếu các công ty như Flextronics và Apple không thể sản xuất sản phẩm, thì họ không cần đóng gói. Các số liệu sản xuất trong tháng 2 năm nay tại công ty tôi là một “thảm họa”. Chúng tôi muốn hoạt động sản xuất sẽ trở lại đúng quỹ đạo của nó vào tháng 5 hoặc 6 nhưng hiện tại vẫn không có gì là chắc chắn. Chúng tôi định cho nhân viên nghỉ việc trong một khoảng thời gian, và chúng tôi sẽ xem xét để đưa ra những quyết định vào cuối tháng 3, tất cả đều phụ thuộc vào kế hoạch hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc.”

Cùng với việc các loại hoa quả như thanh long và đu đủ thối rữa dưới ánh mặt trời vì biên giới phía Bắc của Việt Nam với Trung Quốc bị đóng cửa, các nhà máy may mặc cũng không thể lấy vải ra khỏi Quảng Đông. Các dây chuyền lắp ráp điện tử bị ngưng trệ hoạt động vì không có nguồn cung linh kiện. Trường hợp của công ty Donegan là một ví dụ điển hình để minh chứng một điều rằng Việt Nam đang phải hứng chịu tác động rất lớn từ dịch Covid-19 - một cơn bão đang làm chao đảo chuỗi cung ứng Châu Á và các nước có nền kinh tế phụ thuộc vào Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và những ưu đãi lớn về thuế của Việt Nam đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu của các công ty nước ngoài, tuy nhiên các công ty tại Việt Nam lại phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng linh kiện của Trung Quốc. Nhưng hiện tại, các công ty tại Trung Quốc hầu như đều ngưng sản xuất hoặc sản xuất khá ít. Điều này đã đưa Việt Nam vào tình thế vô cùng khó khăn trong thời điểm hiện tại.

Chuỗi cung ứng rất phức tạp và hiện các công ty đã nhận ra việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc là một điều vô cùng khó khăn.

Khoảng 30% linh kiện được sử dụng trong sản xuất của Việt Nam đến từ Trung Quốc, và ngược lại Trung Quốc cũng nhập khẩu 20% hàng xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam, trong khi khoảng 32% khách du lịch đến Việt Nam đều là người Trung Quốc.

Và trên hết là các công ty lớn tại Hàn Quốc như Samsung và LG cũng đã đầu tư ồ ạt vào Việt Nam trong thập kỷ qua, cùng với đó các cụm nhà máy sản xuất linh kiện nhỏ hơn cũng xuất hiện xung quanh các nhà máy của Samsung và LG. Ngoài ra, Việt Nam cũng phải ban hành lệnh cấm các chuyến bay từ Trung Quốc và mới đây nhất là lệnh cấm đi lại đối với một số khu vực của Hàn Quốc - nơi các ca bị nhiễm Covid-19 đang tăng cao.

Trịnh Nguyên, nhà kinh tế học cao cấp có trụ sở ở Hồng Kông tại Natixis, đã chia sẻ trong một bài viết trên the Carnegie Endowment for International Peace rằng: “Các tập đoàn lớn của Đông Bắc Á như Samsung và Sony đầu tư rất nhiều vào Việt Nam, trong khi Việt Nam lại phụ thuộc khá nhiều vào nguồn ung ứng linh kiện ở Trung Quốc. Do đó, tác động của chuỗi cung ứng Trung Quốc tới Việt Nam là rất lớn.”

Bà Trịnh Nguyên còn ước tính rằng: “17% tổng nền kinh tế Việt Nam có liên quan tới thương mại với Trung Quốc, cao hơn bất kỳ các quốc gia khác trong khu vực”.

Những người trong ngành logistics cho hay, một trong những nhà máy sản xuất điện thoại thông minh khổng lồ của Samsung Electronics đang phải hoạt động với công suất từ 50 đến 80%, do thiếu các bộ phận linh kiện đến từ nước ngoài và thực tế là một số kỹ thuật viên bị cho thôi việc. Tuy nhiên, Samsung đã không đưa ra bất cứ câu trả lời nào về vấn đề này.

Samsung là công ty nước ngoài chiếm 6,1% tổng vón đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong suốt 10 năm tính đến năm 2018 và chiếm 28% tổng xuất khẩu của đất nước trong năm 2017, điều đó có nghĩa là tác động của Samsung sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam.

Đồng thời, một nguồn tin cao cấp tại một khu kinh doanh ở Hải Phòng, cho biết, một nhà máy LG trị giá 1 tỷ USD đã bị đóng cửa hoàn toàn vào tuần trước vì không thể vận hành được dây chuyền sản xuất. LG, gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc, cũng không đưa ra bất kì bình luận nào về vấn đề này.

Julien Brun, giám đốc điều hành tại CEL Consulting, một công ty tư vấn chuỗi cung ứng cho biết “Bạn càng đi sâu vào chuỗi cung ứng thì bạn sẽ nhận thấy tác động của nó càng lớn”.

Giám đốc chuỗi cung ứng cho một công ty thương mại điện tử hàng đầu của Việt Nam đã nói rằng, các công ty đa quốc gia lớn mà ông làm việc cùng, bao gồm Samsung, Nestle và Proctor & Gamble, đã cảnh báo rằng họ có thể hết nguồn cung vào giữa tháng 3, vì họ không thể lấy được nguồn cung từ Trung Quốc.

Giám đốc một công ty thương mại điện tử cho biết rằng: “Hiện tại, chúng tôi đang tận dụng dịch Covid-19 để bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử vì mọi người lo lắng về việc đi mua hàng tại các siêu thị bên ngoài”.

Tuy nhiên, các gian hàng trên chợ thương mại điện tử của ông đã hết các sản phẩm chăm sóc sức khỏe như mặt nạ và nước rửa tay cách đây nhiều tuần. Và ông cho biết thêm rằng: “Tình trạng này có thể sẽ kéo dài. Các nền tảng thương mại điện tử nhỏ sẽ bị tác động đầu tiên, và những nền tảng thương mại điện tử lớn hơn sẽ là người tiếp theo phải chịu tác động này”.

“Ngay cả khi các nhà máy tại Trung Quốc hoạt động trở lại, thì nhiều công ty sẽ bị hụt mất 1 tháng hoạt động”, Stanley Szeto, Chủ tịch điều hành tại công ty may mặc Lever Style, cho hay.

Một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) thực hiện tại TP.HCM tuần trước cho thấy, 70% các công ty con hoặc đối tác của họ đang hoạt động ở mức 70% trở lên, 17% hoạt động ở mức từ 50 đến 70% và 13% hoạt động dưới một nửa công suất bình thường.

“Trong khi một số công ty vẫn hy vọng vào một tương lai tươi sáng vào cuối tuần trước. Nhưng với việc những nhà cung cấp của họ ở Trung Quốc không quay lại sản xuất, họ chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng”, giám đốc điều hành AmCham, Mary Tarnowka nói.

Thùy Dung

Theo SCMP