Công ty Việt Nam bị World Bank cấm vận 7 năm vì gian lận nói gì?

(Dân trí) - Trong quá trình dự thầu 2 gói thầu BRT Hà Nội (2015) và BRT Đà Nẵng (2018), nhân viên của công ty này có tiếp cận khách hàng để tác động và trong hồ sơ thầu có 1 thư hỗ trợ dự án được coi là giả mạo.

Công ty Việt Nam bị World Bank cấm vận 7 năm vì gian lận nói gì? - 1

Một đoạn thông cáo của World Bank

Ngày 24/6 vừa qua, trên trang worldbank.org, Ngân hàng Thế giới (World Bank) chính thức công bố thông báo (đề ngày 13/5/2020) về việc cấm vận một công ty có trụ sở tại Việt Nam là Công ty cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu không được tham gia đấu thầu các dự án có nguồn vốn tài trợ của World Bank trong vòng 7 năm.

Nguyên nhân được cho là công ty này đã có liên quan đến các hoạt động lừa đảo và gian lận trong Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng và Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội.

Dự án Phát triển thành phố bền vững Đà Nẵng được thiết kế để mở rộng khả năng tiếp cận hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải, mạng lưới đường huyết mạch và giao thông công cộng tại các khu vực được lựa chọn của thành phố Đà Nẵng.

Còn dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội nhằm tăng tính lưu động đô thị tại các khu vực mục tiêu ở Hà Nội giúp giảm thời gian đi lại giữa trung tâm thành phố và phía tây và tây bắc của thành phố.

“Việc cấm vận sẽ khiến Sao Bắc Đẩu không đủ điều kiện tham gia vào các dự án hoặc hoạt động do các tổ chức thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới tài trợ. Đây là một phần của các thỏa thuận giải quyết mà theo đó, Sao Bắc Đẩu thừa nhận trách nhiệm đối với những vi phạm và phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể mới đủ điều kiện thoát khỏi cấm”, thông báo của World Bank nêu.

Về vấn đề này, Sao Bắc Đẩu cũng đã có phản hồi chính thức. Sao Bắc Đẩu thừa nhận các thông tin mà World Bank đã công bố.

Cụ thể, trong quá trình dự thầu 2 gói thầu BRT Hà nội (2015) và BRT Đà Nẵng (2018), nhân viên của Sao Bắc Đẩu có tiếp cận khách hàng để tác động và trong hồ sơ thầu có 1 thư hỗ trợ dự án được coi là giả mạo.

Công ty này cho biết, việc nhân viên của Sao Bắc Đẩu tiếp cận khách hàng để hỗ trợ kỹ thuật trước thời điểm thầu là không phù hợp với nguyên tắc đối với các dự án của World Bank và cũng là lỗi của Sao Bắc Đẩu trong việc quản lý nhân viên của mình.

Về thư hỗ trợ dự án, Sao Bắc Đẩu nhận từ một công ty phân phối thiết bị của hãng ở Việt Nam cho các thiết bị lưu điện với giá trị chiếm khoảng 0,11 % tổng giá trị dự thầu.

“Đối với thư này, Sao Bắc Đẩu đã sơ sót khi không kiểm tra tính xác thực lại với hãng sản xuất. Cả hai gói thầu nói trên Sao Bắc Đẩu đều không là đơn vị trúng thầu” - công ty cho hay.

World Bank đã làm việc chi tiết với Sao Bắc Đẩu trong 2019-2020 để làm rõ những vấn đề trên, trong quá trình làm việc World Bank ghi nhận sự phối hợp của Sao Bắc Đẩu và cũng đồng ý đây không phải là sự chỉ đạo của lãnh đạo công ty.

Vì vậy, World Bank đã giảm thời hạn cấm tham dự các dự án do World Bank tài trợ vốn từ 9 năm xuống còn 7 năm và sẽ tiếp tục giảm thêm nếu Sao Bắc Đẩu thực hiện tốt các cam kết giữa hai bên và theo hướng dẫn tuân thủ liêm chính của WB (WBG Integrity Compliance Guidelines).

“Sao Bắc Đẩu đã rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc trong việc tham gia các dự án quốc tế, làm tiền đề để công ty nâng cao hơn nữa năng lực tham gia các dự án quốc tế trong tương lai” - công ty này khẳng định.

Mai Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm