Công ty Tân Thuận: Nắm nhiều dự án, mặt bằng nhưng kinh doanh yếu kém
Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận), doanh nghiệp Nhà nước có các lãnh đạo vừa bị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM kỷ luật vì thương vụ chuyển nhượng đất giá bèo cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) đang quản lý kinh doanh nhiều dự án và các mặt bằng lẻ cho thuê tại trung tâm TP.HCM nhưng kinh doanh có nhiều mặt yếu kém.
Công ty Tân Thuận được thành lập theo Quyết định số 5629/QĐ-UB ngày 15.11.2004 của UBND TP.HCM về việc chuyển Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận thành Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận. Công ty có trụ sở giao dịch chính đặt tại số 325 Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM.
Sau khi chuyển đổi thành công ty một thành viên, Tân Thuận kinh doanh các ngành nghề như thi công xây dựng và sửa chữa các công trình dân dụng và công nghiệp, giao thông, công cộng; Thi công xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật; Tư vấn thiết kế quy hoạch, lập dự án đầu tư các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, công trình công cộng, khu công nghiệp, khu dân cư; Đầu tư, xây dựng, kinh doanh các khu dân cư, khu công nghiệp; Kinh doanh nhà; Liên doanh và hợp tác kinh doanh với các thành phần kinh tế trong và ngoài nước…
Số vốn điều lệ của Tân Thuận tại thời điểm chuyển thành công ty một thành viên là 35 tỷ đồng. Trong đó vốn chủ sở hữu thực có vào ngày 31.12.2003 là hơn 24 tỷ đồng; Vốn do chủ sở hữu bổ sung dần trong quá trình kinh doanh (trong 2 năm 2004 và 2005) là 10 tỷ đồng.
Sau khi chính danh là doanh nghiệp của Thành ủy TP.HCM, Công ty Tân Thuận đã được giao thực hiện và chuyển nhượng nhiều khu đất, dự án. Trong báo cáo kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM thì tính đến 31.12.2016 Công ty Tân Thuận đang quản lý kinh doanh nhiều dự án và các mặt bằng lẻ cho thuê trong các khu dân cư. Cụ thể là các dự án như Khu dân cư Tân Quy Đông, Khu đân cư Ven Sông Tân Phong, Khu dân cư Bình Hòa, Khu dân cư Đường 10 Long An. Còn lại là cung cấp dịch vụ cho thuê hàng chục mặt bằng nhà xưởng, kiốt…
Doanh thu thuần tính đến hết tháng 12.2016 của doanh nghiệp này gần 181 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 38 tỷ đồng. Thời điểm đó, vốn chủ sở hữu của Tân Thuận đang là 198 tỷ đồng. Năm 2016 chi phí hoạt động của doanh nghiệp này gần 143 tỷ đồng trong đó giá vốn bán hàng 119 tỷ đồng, chi phí tài chính 1,2 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 21 tỷ đồng… Ngoài ra công ty cũng hoàn tất nghĩa vụ nộp ngân sách Đảng bộ thành phố năm 2016 với hơn 23,5 tỷ đồng.
Đối với việc quản lý tài sản ngắn, tính đến 31.12.2016 với tổng mức quản lý tài sản tương đương 219 tỷ đồng, trong đó tiền mặt là hơn 133 triệu đồng, còn lại 218 tỷ đồng gửi ngân hàng. Các khoản phải thu ngắn hạn 34,8 tỷ đồng, hàng tồn kho lên đến 343 tỷ đồng. Nợ phải trả của thời điểm đó lên đến 596 tỷ đồng trong đó nợ ngắn hạn l595 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, ngày 26.4.2017, Công ty Tân Thuận có công văn số 612 gửi Văn phòng Thành ủy xin ý kiến về việc hợp tác cùng QCG thực hiện dự án Khu dân cư Phước Kiểng, huyện Nhà Bè bằng hợp đồng số 203/HĐKT/2017. Với công văn này, Công ty Tân Thuận đưa ra lý do không chứng minh được năng lực tài chính để thực hiện dự án (vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% trên tổng mức đầu tư). Trong khi đó, văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư dự án đã hết hạn, doanh nghiệp không còn được coi là chủ đầu tư, muốn thực hiện dự án phải làm lại thủ tục, đồng thời chứng minh năng lực tài chính.
Cụ thể, với tổng mức đầu tư của dự án khoảng 6.500 tỷ đồng, công ty cần chứng minh vốn chủ sở hữu trên 1.300 tỷ đồng và bắt buộc ký quỹ đầu tư. Trong khi đó vốn chủ sở hữu hiện tại của công ty chỉ ở mức 162 tỷ đồng nên Tân Thuận không thể chứng minh năng lực thực hiện, đồng thời còn phân bổ vốn cho các dự án khác. Do đó việc hợp tác với QCG để tạo nguồn tài chính thực hiện và đẩy nhanh tiến độ dự án. Tỷ lệ góp vốn và phân chia lãi lỗ đựơc xác định là Tân Thuận 30% và QCG 70%.
Thế nhưng 2 tháng sau, từ phương án ban đầu là hợp tác đầu tư, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng luôn 32 ha đất cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Cụ thể phụ lục hợp đồng số 2 được ký ngày 8.9.2017 đã có điều chỉnh đơn giá đất cho phần diện tích 281.404 m2 đã ký hợp đồng công chứng chuyển tên cho QCG. Mức giá giao dịch ban đầu là 419 tỷ đồng sau nay được điều chỉnh lên 632 tỷ đồng được cho là quá thấp và gây thiệt hại cho ngân sách nên Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng và vừa qua đã kỷ luật các lãnh đạo Công ty Tân Thuận.
Dự án Tân Phong quận 7 cũng được Công ty Tân Thuận bán cho Quốc Cường Gia Lai
Báo cáo kiểm tra hoạt động năm 2016 của Công ty Tân Thuận cho thấy những hạn chế yếu kém như chưa kịp thời bổ sung, sửa đổi Quy chế hoạt động của Công ty, quy chế hoạt động của Hội đồng thành viên. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, năng lực quản lý chưa cao dẫn đến việc phân bổ chi phí quản lý doanh nghiệp chưa hợp lý (chi phí nhân viên quản lý chiếm 81,7% trong tổng chi phí quản lý doanh nghiệp), lợi nhuận thu được chủ yếu là các dự án bất động sản và bán hàng hóa bất động sản của các dự án đã có từ trước đây mà chưa tập trung xây dựng chiến lược phát triển bền vững, chưa thực hiện tái đầu tư để có thêm sản phẩm mới.
Kế hoạch thực hiện công tác đền bù chưa sát với tình hình thực tế, kinh phí phục vụ công tác đền bù còn tồn với giá trị lớn như Công ty quản lý, sử dụng chưa hiệu quả (lượng tiền gởi ngân hàng với lãi suất không kỳ hạn quá nhiều). Công ty chưa có giải pháp thích hợp để kết chuyển hàng tồn kho, chi phí dài hạn dở dang…
Theo Nam Sơn
Dân Việt