Công ty Mua bán nợ đối mặt nguy cơ... mất vốn

(Dân trí) - Trong bối cảnh khó có 1 công ty mua bán nợ xấu được thành lập thì DATC và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vẫn đang được đề xuất để tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là DNNN và ngân hàng.

Công ty Mua bán nợ đối mặt nguy cơ... mất vốn
Nợ xấu hệ thống ngân hàng đã vượt quá con số 100.000 tỷ đồng và trong bối cảnh hiện nay, khó thành lập 1 công ty mua bán nợ xấu mới. Việc xử lý vẫn được "trông cậy" vào DATC và SCIC.

Tại Báo cáo kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách năm 2010 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đưa ra đánh giá, Công ty TNHH Một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (DATC) trong năm 2010 đã không thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ chính là mua nợ và đầu tư dài hạn tái cấu trúc doanh nghiệp, sử dụng vốn hiệu quả thấp, gửi tiền và cho vay không đúng chức năng nhiệm vụ, không hiệu quả, thanh khoản kém và có nguy cơ mất vốn. Trong khi đó, hoạt động mua bán nợ, tiếp nhận bàn giao còn có một số tồn tại.

Cụ thể, trong tổng nguồn vốn, quỹ của DATC đến 31/12/2010 là trên 2.616 tỷ đồng thì số vốn để mua nợ và đầu tư dài hạn tái cấu trúc doanh nghiệp chỉ chiếm 47,23%, tương đương 1.235,88 tỷ đồng. Còn lại, số tiền DATC gửi ngân hàng, Công ty Cho thuê tài chính 2 - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (ALCII) tới 48,61%, tương đương với 1.272 tỷ đồng.

Điều này đưa đến hệ quả, hệ số bảo toàn vốn năm 2010 (vốn chủ sở hữu năm 2010 trên vốn chủ sở hữu năm 2009) là 1,04%, thấp hơn rất nhiều so với mức lạm phát năm 2010  là 11,75%.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn đầu tư của chủ sở hữu là 5,48%, thấp hơn so với năm 2009. Trong đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn đầu tư vào công ty con là 5,2%, công ty liên doanh liên kết là 0,06%, đầu tư dài hạn khác là 2,8%.

DATC còn đối mặt nguy cơ mất vốn ước tính trên 70 tỷ đồng khi gửi tiền tại ALC II . Tổng số tiền gửi là 110 tỷ đồng song tính đến 31/12/2011, khi mà các hợp đồng tiền gửi tại ALCII đã quá hạn trên 2 năm thì số tiền DATC thu về được chỉ vỏn vẹn 12,68 tỷ đồng tiền lãi.

Ngoài ra, DATC còn cho Công ty Cà phê Ia Châm vay 27,39 tỷ đồng, cho Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 675 vay 6 tỷ đồng.

DATC là tên viết tắt từ Debt and Asset Trading Corporation, tên giao dịch quốc tế của Công ty mua bán nợ  và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp - trực thuộc Bộ Tài chính.

Công ty được thành lập từ năm 2003 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng do Ngân sách Nhà nước cấp và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2004.

Công ty được thành lập với nhiệm vụ xử lý các khoản nợ tồn đọng và tài sản không cần dùng, chờ thanh lý, vật tư ứ đọng kém, mất phẩm chất (gọi tắt là nợ và tài sản tồn đọng) góp phần lành mạnh hoá tình hình tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước.
Trong hoạt động mua bán nợ và tiếp nhận bàn giao tại DATC, KTNN dẫn ra tình trạng, trong năm kiểm toán, DATC đã sử dụng nợ phải thu và tài sản tồn đọng đã mua để góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Xi măng Bắc Kạn - DATC nhưng không thuê thẩm định giá, không xử lý tài chính đối với các khoản nợ và tài sản tồn đọng đã mua trước khi góp vốn.

Thực tế, DATC cùng CTCP Xây dựng Thái Nguyên và Công ty Khoáng sản và Xây dựng Hà Nội định giá giá trị nợ và tài sản của CTCP Xây dựng Thái Nguyên do DATC đã mua làm căn cứ để DATC gop vốn 21,8 tỷ đồng, giảm so với giá trị sổ sách 62,18 tỷ đồng..

Ngoài ra, thời điểm tháng 3/2011, DATC đã xóa nợ 26,96 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng công trình 134 mà không căn cứ vào báo cáo tài chính năm 2010 là không đúng quy định về chức năng hoạt động đã được Bộ Tài chính ban hành.

Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái cho hay, trước những sai sót trên của tổ chức tài chính này, KTNN đã có kiến nghị với Chính phủ và Bộ Tài chính chỉ đạo kiểm điểm quyết liệt DATC về những hoạt động chưa đúng của đơn vị này. 

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn cũng như khó có một công ty mua bán nợ xấu được thành lập, KTNN ghi nhận, thời gian vừa qua, DATC cũng đã giúp được một số doanh nghiệp tái cơ cấu thành công. Năm 2010, DATC đạt lợi nhuận sau thuế 140 tỷ đồng, tăng 5,6% (7 tỷ đồng) so với năm 2009.

KTNN đang đề xuất yêu cầu công ty này cùng với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng.

Tình hình nợ xấu hiện nay đang là vấn đề gây đau đầu cho các nhà chính sách. Con số mới nhất mà NHNN công bố đã không dừng lại ở 100.000 tỷ đồng như trước đây. Theo báo cáo của các TCTD, tính đến ngày 31/5/2012, nợ xấu của toàn hệ thống vào khoảng 117.000 tỷ đồng, chiếm 4,47% tổng dư nợ. Trong khi đó, theo báo cáo của cơ quan Thanh tra giám sát, tính đến 31/3/2012, nợ xấu của toàn hệ thống vào khoảng 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ.

Việc lập thêm một công ty mua bán nợ xấu đang được cân nhắc. Tuy nhiên, từ thực tiễn với DATC như KTNN đã phản ánh, thì việc quản lý công ty này như thế nào là một vấn đề không dễ dàng.
Bích Diệp