Công ty của "vua hàng hiệu" Hạnh Nguyễn lập kỷ lục buồn

Việt Đức

(Dân trí) - Doanh thu của Sasco, công ty dịch vụ sân bay do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐQT, rơi xuống mức thấp kỷ lục do các hoạt động hàng không đóng băng trong quý III.

Doanh thu thấp kỷ lục

Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, mã chứng khoán: SAS) tiếp tục trải qua một quý kinh doanh ảm đạm khi ngành hàng không gần như tê liệt trong quý III do các quy định giãn cách xã hội để phòng chống dịch. 

3 tháng gần nhất, doanh thu thuần của Sasco chỉ đạt 57 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ 2020. Đặc biệt, đây là mức doanh số thấp kỷ lục trong một quý của công ty dịch vụ sân bay này. 

Nguồn thu chính của Sasco đến từ việc quản lý và vận hành hệ thống cửa hàng miễn thuế, bán hàng lưu niệm, nhà hàng, phòng chờ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Khi các sân bay trên cả nước "bất động" trong giai đoạn giãn cách, không ngạc nhiên khi doanh thu của Sasco sụt giảm nghiêm trọng.

Hoạt động tài chính trở thành phao cứu sinh của Sasco khi công ty có nguồn tiền 32 tỷ đồng tiền cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty liên quan. 

Nhờ đó, Sasco có lãi sau thuế 2 tỷ đồng trong quý III. Dù lợi nhuận chỉ tương đương 5% cùng kỳ 2020, kết quả này vẫn tốt hơn quý II liền trước đó khi công ty báo lỗ. 

Công ty của vua hàng hiệu Hạnh Nguyễn lập kỷ lục buồn - 1

Biểu đồ: Việt Đức.

Lũy kế 9 tháng, Sasco đạt doanh thu thuần 260 tỷ đồng, giảm hơn 60%. Lợi nhuận ròng sau 3 quý của công ty chỉ vỏn vẹn 305 triệu đồng, giảm 99% so với cùng kỳ 2020. 

Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của Sasco là hơn 1.600 tỷ đồng. Nợ phải trả chỉ hơn 200 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ các khoản vay ngân hàng của công ty rất thấp, chỉ khoảng 3 tỷ đồng. 

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, người gắn liền với biệt danh "vua hàng hiệu" hiện là Chủ tịch HĐQT Sasco. Nhóm cổ đông liên quan gia đình ông Hạnh Nguyễn sở hữu 48% cổ phần Sasco còn Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nắm giữ 49% vốn điều lệ. 

Với cơ cấu cổ đông quá cô đặc, lượng cổ phiếu lưu hành tự do trên thị trường thấp nên thị giá SAS trên sàn UPCoM không biến động lớn với thanh khoản giao dịch nhỏ giọt. Hiện tại, cổ phiếu SAS được giao dịch quanh vùng giá 27.000 đồng/cổ phiếu, không thay đổi đáng kể so với hồi đầu năm nay.

Công ty của vua hàng hiệu Hạnh Nguyễn lập kỷ lục buồn - 2

Diễn biến giá cổ phiếu SAS từ đầu năm nay (Ảnh: TV).

Tham vọng mới của "vua hàng hiệu"

Năm nay, Sasco đặt kế hoạch doanh thu thuần 896 tỷ đồng và có lợi nhuận trước thuế 17 tỷ đồng. Với kết quả khiêm tốn sau 9 tháng, công ty dịch vụ sân bay của ông Hạnh Nguyễn phải rất nỗ lực mới có thể hoàn thành mục tiêu trong 3 tháng cuối năm. Tuy nhiên, đây không phải là việc dễ dàng khi các hoạt động hàng không trong nước hiện mới chỉ bắt đầu khôi phục, trong lộ trình thử nghiệm với số lượng chuyến bay hàng ngày ít ỏi. 

Dù đối diện với thử thách lớn trong 2 năm ngành hàng không thiệt hại nặng nề vì đại dịch, "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn nuôi tham vọng mới với bầu trời.

Công ty của vua hàng hiệu Hạnh Nguyễn lập kỷ lục buồn - 3

Một cửa hàng của Sasco tại khu vực nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất thời điểm chưa có dịch Covid-19 (Ảnh: Việt Đức).

Trong năm nay, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương của ông Hạnh Nguyễn đã trình đề án thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo. Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương hơn 100 triệu USD.

Công ty này cho biết IPP Air Cargo có kế hoạch ký biên bản ghi nhớ mua 10 tàu bay B777 Freighter vận chuyển hàng hóa trị giá khoảng 3,5 tỷ USD với Tập đoàn Boeing của Mỹ.

Tuy nhiên, trong tháng 7, sau khi xem xét dự án này, đánh giá cục diện thị trường và tình hình khai thác của các hãng trong nước, các bộ, ngành đã thống nhất gửi báo cáo tới Thủ tướng chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay bao gồm cả hãng bay chuyên chở hàng hóa, hạn chế khả năng mất cân đối cung cầu của thị trường.

Dự án hãng hàng không chuyên chở hàng hóa của ông Hạnh Nguyễn dự kiến được cơ quan chức năng cân nhắc cấp phép sớm nhất sau năm 2022, thời điểm ngành hàng không dự kiến phục hồi.