Công ty của bà Nguyệt Hường sẽ bán 70 triệu cổ phần, rút khỏi Vinatex

(Dân trí) - Sau gần 3 năm trở thành cổ đông chiến lược của Vinatex, ngay sau khi Vinatex vừa "lên sàn", VID Group cho biết sẽ chuyển nhượng toàn bộ 70 triệu cổ phiếu VGT tương ứng 14% vốn điều lệ Vinatex trước thời hạn, và đề nghị này đã được đại hội đồng cổ đông Vinatex chấp thuận. Thông tin này khiến giá cổ phiếu Vinatex giảm mạnh.

Bà Nguyệt Hường (đứng giữa) trong buổi gặp và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh gần đây
Bà Nguyệt Hường (đứng giữa) trong buổi gặp và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh gần đây

Thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa công bố cho hay, đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của tập đoàn này đã thông qua việc cổ đông chiến lược Công ty CP Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (VID Group) được chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần sở hữu trước thời hạn.

VID Group là cổ đông chiến lược hiện đang sở hữu 70 triệu cổ phiếu VGT của Vinatex, chiếm tỷ lệ 14% vốn điều lệ tập đoàn.

Trước đó, vào hồi tháng 8/2016, VID Group đã có văn bản gửi Vinatex về việc chuyển nhượng cổ phần và sau đó, Vinatex đã tiến hành lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để chấp thuận cho VID Group chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trước thời hạn.

VID Group và Tập đoàn Vingroup (VIC) chính là hai nhà đầu tư chiến lược của Vinatex kể từ đợt thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hồi tháng 9/2014. Tại thời điểm đó, Vingroup mua vào 50 triệu cổ phiếu ứng với 10% vốn điều lệ Vinatex và VID Group vào mua 70 triệu cổ phiếu tương đương 14% vốn điều lệ "ông lớn" dệt may này.

Vinatex bắt đầu "lên sàn" vào đầu năm nay với việc đưa 500 triệu cổ phiếu VGT chào sàn UPCoM ngày 3/1/2017 với mức giá tham chiếu 13.500 đồng/cổ phiếu. Với mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên như trên, Vinatex được định giá 6.750 tỷ đồng.

Theo bản cáo bạch của Vinatex, trong số 500 triệu cổ phiếu có 120 triệu cổ phiếu của cổ đông chiến lược, chiếm tỷ lệ gần 24% bị hạn chế chuyển nhượng.

Tại thời điểm chốt danh sách cổ đông vào tháng 7/2016, Vinatex có 30 cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn 55 triệu cổ phiếu, chiếm 11,01% vốn điều lệ. Hiện Bộ Công Thương đang là cổ đông lớn nhất tại Vinatex với tỷ lệ sở hữu 53,49%. Tiếp đến là VID Group (14%), Vingroup (10%) và cá nhân ông Bùi Mạnh Hưng sở hữu 6%.

Trong quý IV/2016, lợi nhuận sau thuế của Vinatex giảm mạnh 16,6% so với cùng kỳ, còn 220,9 tỷ đồng. Nguyên nhân được Vinatex giải trình do trong năm 2016, Vinatex và Tổng công ty CP Dệt may Miền Nam (đơn vị 100% vốn của tập đoàn này) có đưa các dự án đầu tư hoàn thành chính thức đi vào hoạt động: nhà máy sản xuất vải Yarndyed, nhà máy sợi Nam Định, nhà máy sợi Phú Cường, nhà máy may Kiên Giang, nhà máy may Cần Thơ, nhà máy may Bạc Liêu. Các nhà máy này đều đang trong giai đoạn lỗ kế hoạch theo dự án làm ảnh hưởng đến kết quả chung.

Mặc dù vậy, kết thúc 2016, lũy kế Vinatex vẫn đạt 600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 13% so với năm 2015

Trong 3 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu VGT của Vinatex liên tục giảm giá (sáng nay giảm thêm 2,24%). Hiện thị giá của VGT đã rớt xuống dưới ngưỡng 13.000 đồng/cổ phiếu từ mức giá xấp xỉ 14.400 đồng của phiên 17/3.

Bích Diệp