1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngân hàng quản lý tiền nhà đầu tư:

Công ty chứng khoán than khó, HaSTC bảo dễ

(Dân trí) - Trong khi phần đông CTCK than phiền việc chuyển đổi tài khoản của NĐT sang ngân hàng quản lý sẽ gây ra những khó khăn cho cả công ty chứng khoán, NĐT và ngân hàng, thì đại diện HaSTC lại cho rằng “có giải pháp hay không chứ kết nối chẳng có gì khó cả”.

Ngày 1/10 là thời điểm tài khoản của nhà đầu tư (NĐT) tại các công ty chứng khoán phải chuyển về ngân hàng. Trong giai đoạn “nước rút”, ngày 20/8, Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) tổ chức buổi tọa đàm thứ ba nhằm lấy ý kiến của các thành viên về việc chuyển đổi tài khoản của nhà đầu tư sáng ngân hàng quản lý.

Lắm lý do… thoái thác

Ông Đoàn Văn Minh, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Hải Phòng bày tỏ: Khó khăn của các công ty chứng khoán hiện nay là phải đi tìm ngân hàng để kết nối.

“Điều chúng tôi lo nhất hiện nay là làm sao xử lý được rủi ro, tổn thất cho nhà đầu tư khi không khớp được lệnh do những lỗi chủ quan. Thời gian qua, các công ty chứng khoán phải bỏ ra chi phí lớn để khắc phục những lỗi này. Sau này phân định trách nhiệm thế nào giữa các bên, ngân hàng, công ty chứng khoán hay đường truyền?”, ông Minh nói.

Đó là chưa kể, khi thực hiện kết nối, chi phí của một công ty bỏ ra để đầu tư như: máy móc thiết bị, đường truyền… không dưới 300 triệu đồng/năm cho một ngân hàng. Nếu kết nối với 3 - 4 ngân hàng chi phí càng cao, khách hàng sẽ phải chịu vì công ty chứng khoán phải nâng phí lên để bù đắp chi phí này.

Theo đại diện của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI): Công ty đã đầu tư nhiều tiền cho việc kết nối giữa công ty chứng khoán với ngân hàng trong thời gian dài nhưng đường truyền thường xuyên có sự cố: đứt, phần mềm không tương thích.

Thêm vào đó, với số lượng NĐT đông đảo, lệnh lại thường đặt tập trung vào một thời điểm nhất định (như đầu giờ, cuối giờ), trong khoảng vài phút có khi lên đến 1.000 - 1.500 lệnh thì khách hàng sẽ không chấp nhận sự chậm trễ.

“Có lỗi phát sinh thì nhà đầu tư sẽ yêu cầu bồi thường do không sửa được giá, không đặt được lệnh…và công ty chứng khoán phải bồi thường. Sau này phân định trách nhiệm thế nào, điều này lại chưa có văn bản quy định, nếu phát sinh tranh chấp sẽ không xử lý được”, đại diện SSI thắc mắc.

Trưởng phòng pháp chế Công ty chứng khoán An Bình lại cho rằng: Cơ sở pháp lý trong Luật chứng khoán không chắc chắn, Điều 71 trong luật gián tiếp thừa nhận công ty chứng khoán quản lý tiền khách hàng. Quyết định 27 của Bộ Tài chính lại quy định về mở tài khoản ở ngân hàng.

“Chứng khoán An Bình có 1,3 vạn tài khoản, không thể cùng lúc chuyển hết được sang ngân hàng, bởi phải có sự thoả thuận với nhà đầu tư, với ngân hàng. Khi đặt lệnh phải nhòm vào tài khoản có không mới đặt lệnh thì vi phạm bí mật, xảy ra tranh chấp thì rất rắc rối!?”.

Có rất nhiều lý do mà các công ty chứng khoán đưa ra trong việc chuyển tài khoản NĐT sang ngân hàng quản lý. Họ cho rằng, với lượng tài khoản đông, NĐT mỗi người lại một ý, trong khi công ty chọn ngân hàng này mà NĐT không thích, hay trong kết nối có trục trặc đường truyền, xảy ra tranh chấp thì khó xử lý, xử lý thế nào?...

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký VASB đề xuất, trong bối cảnh thị trường đang có nhiều biến động, hầu như các công ty đều bị thua lỗ, ngân hàng cũng gặp khó khăn; Ủy ban chứng khoán nên xem xét giãn thời gian thực hiện quyết định mới đến đầu năm 2009. Thời hạn này sẽ giúp các công ty chứng khoán có thêm thời gian chuẩn bị chu đáo trước khi quyết định mới có hiệu lực.

Quyền lợi NĐT trên hết!

Buổi tọa đàm khá nhạt nhẽo, nếu như không có ý kiến thắng thắn của ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (HaSTC).

Ông Dũng nói: 3 lần họp, các công ty chứng khoán lại đưa một người đi họp, ý kiến khác nhau, thậm chí có công ty 3 ý kiến khác nhau. Giám đốc quyết định được vấn đề thì không thấy đâu cả, toàn trưởng, phó phòng đi dự bàn về chính sách, sự sống còn của thị trường.

“Quy định đã có từ cuối 2007 rồi. Các anh chị cứ nói khó khăn kết nối, còn tôi thấy có giải pháp hay không chứ kết nối chẳng có gì khó cả. Chuẩn kết nối là gì, chỉ là thông tin đưa ra file gì, chúng ta toàn đưa ra những lý do chúng ta chưa muốn. Ngân hàng có quyền lợi nên ngân hàng nào chẳng thích. Nhà đầu tư cũng thích. Công ty chứng khoán bảo không thích thì do công ty không thích thôi”.

Ông Dũng cho biết thêm: “Việc công ty chứng khoán giữ tiền của NĐT - chỉ ở Việt Nam mới có. Hiệp hội nên đứng ra chọn công ty phần mềm rồi chọn chuẩn với các ngân hàng. Việc triển khai sớm mô hình quản lý này sẽ làm NĐT cảm thấy thị trường chứng khoán của ta minh bạch và chuyên nghiệp”.

Bà Nguyễn Thị Thục Anh, Phó trưởng Ban Kinh doanh (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho rằng, việc thực hiện quản lý tách biệt tiền giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư là việc làm cần thiết.

“Mục đích tách tài khoản này quá rõ rồi, bảo vệ nhà đầu tư, không thể trông cậy tính tự giác của công ty chứng khoán”, bà Thục Anh nhấn mạnh.

Theo bà Thục Anh, qua kiểm tra thực tế và báo cáo của 13 công ty đã thực hiện đều cho thấy lỗi kỹ thuật như đứt đường truyền rất hiếm khi xảy ra, chi phí đầu tư cũng không lớn. Bản thân các công ty cũng xây dựng được những rào chắn để hạn chế rủi ro.

Bà cũng cho biết trong điều kiện hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không có đủ khả năng để giám sát hoạt động của các công ty chứng khoán. Ủy ban đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng hợp đồng mẫu, cho nên việc để ngân hàng quản lý tài khoản của NĐT là hoàn toàn hợp lý, còn các vấn đề khác có thể phối hợp để giải quyết, không đến mức bế tắc như các công ty chứng khoán phản ánh.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm