1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Công ty chứng khoán kêu gọi nới biên độ

(Dân trí) - Tại buổi tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán” do Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) tổ chức chiều 29/5, các công ty chứng khóan kêu gọi UBCK nới biên độ về như cũ để tạo tính thanh khoản cho thị trường.

Đại diện VASB, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… đã bàn bạc xung quanh các vấn đề: biên độ giao dịch, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm phí cho các công ty chứng khoán, mở room và ưu đãi thuế cho nhà đầu tư.

Trong đó, vấn đề nới rộng biên độ về như cũ (sàn TPHCM 5%, sàn Hà Nội 10%) được đa số các công ty chứng khoán đồng tình và hưởng ứng.

“Cái chợ” cần người mua và bán

Trước các ý kiến: nới rộng biên độ, xử lý biên độ lệch, bỏ hẳn biên độ và giữ nguyên biên độ như hiện nay nhằm “cứu” thị trường chứng khoán, đại diện Công ty Chứng khoán (CTCK) Bảo Việt cho rằng thị trường Việt Nam chưa đủ nền tảng để không cần biên độ, nhưng biên độ cần được nới rộng, về ít nhất như trước đây.

“Để biên độ như hiện tại, tính thanh khoản trên thị trường gần như không có. Trước đây, thu hẹp biên độ là để trấn tĩnh nhà đầu tư, chặn đà suy giảm, giờ đây họ cũng đã quen với sự đi xuống của thị trường, nên chúng ta cần trả lại biên độ như cũ, để tạo tính thanh khoản cho các cổ phiếu đang cầm cố”, vị đại diện này nói.

Và để chứng minh cho lý lẽ của mình, đại diện CTCK Bảo Việt cho biết, hiện trên thị trường OTC, vì không có biên độ nên tính thanh khoản cao hơn thị trường niêm yết, ví dụ như cổ phiếu MB của Ngân hàng Quân đội gần đây vẫn được giao dịch rất nhiều.

Tổng Giám đốc CTCK Thăng Long, ông Lê Đình Ngọc lại mở đầu phần phát biểu của mình bằng những dẫn chứng: Thị trường chứng khóan lên hay xuống là bình thường, nhưng trong 3 tháng qua, thị trường niêm yết giảm tới 30 - 40%, trong 1 tuần OTC giảm 50 - 60% là dấu hiệu nhà đầu tư (NĐT) mất lòng tin. Không chỉ NĐT trong nước mà khối NĐT “ngoại” cũng đang trong tình trạng “khó nói, thua lỗ nặng nề”.

“Ở một cái chợ, việc mua - bán quan trọng hơn cả việc giá lên hay xuống. Biên độ thắt chặt chỉ nên áp dụng trong thời gian rất ngắn nhằm chặn đà suy giảm của thị trường, hãy cho chung tôi có lòng tin vào sự điều tiết của thị trường”, ông Ngọc bày tỏ.

Bên cạnh đó, đại diện CTCK SSI, Tân Việt… cũng đồng tình với việc “trả lại cho thị trường biên độ cũ”.

“Thu hẹp biên độ gần như mất tính thanh khoản, trong khi thị trường vẫn phải trở về với bản chất của nó và giá vẫn cứ xuống. Theo tôi, hạn chế biên độ không giải quyết được vấn đề gì cả, chúng ta hãy sớm trả biên độ về như cũ”, đại diện CTCK SSI bày tỏ.

Ngược lại, Tổng Thư ký VAFI Nguyễn Hoàng Hải lại kiên trì với kiến nghị áp dụng biên độ lệch, để “níu” thị trường khỏi đi xuống, bởi “cứu thị trường như chống thiên tai”…

Mở biên độ, thị trường “shock” - làm sao?

Chia sẻ với các tổ chức, các công ty chứng khoán, bà Vũ Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch UBCKNN nói: “Những bức xúc của các đơn vị là đúng thôi, bởi chúng tôi cũng là một thành viên trong thị trường. Người ta nói, “có bệnh thì vái tứ phương”, trong thời điểm hiện nay, Ủy ban không loại trừ một giải pháp nào để cứu thị trường”.

Trước những ý kiến về việc UBCK không làm gì cả, Phó Chủ tịch UBCKNN cho rằng, Ủy ban đã làm hết sức mình, đã làm tất cả những gì có thể.

Bà Liên nói: “Tất cả những gì mọi người nêu ra, chúng tôi đã kiến nghị hết và kiến nghị không dưới 4 lần, văn bản nào cũng lặp đi lặp lại. Thậm chí, nếu Ngân hàng Nhà nước thực sự muốn chung tay để cứu giải chấp thì không chỉ khuyến cáo, mà phải dành ngân khoản để tái cấp vốn cho tái chiết khấu các hồ sơ cầm cố của các ngân hàng, thậm chí là dùng trái phiếu để hoán đổi các hồ sơ đó…”

Hiện tại, Ủy ban đang phải cân nhắc rất kỹ trước các ý kiến về biên độ, riêng với việc sử dụng biên độ lệch, qua khảo sát tại Đài Loan trong tuần qua của Tổng Giám đốc Sở GDCK TPHCM, ông Trần Đắc Sinh, tuy Đài Loan có sử dụng biên độ lệch nhưng kinh tế vĩ mô rất vững chắc, khác hoàn cảnh hiện tại của chúng ta.

“Nền kinh tế vĩ mô của chúng ta đang quá xấu, bản thân tôi thừa nhận là không lường trước được, lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi xuống làm việc với Ủy ban hồi tháng 3 cũng đã có những nhận định rất lạc quan. Nhưng đến nay mọi diễn biến đi quá nhanh, cơ bản hơn là nó làm cho chúng ta ở trong tình thế các giải pháp vi mô không thể phát huy tác dụng”, bà Liên nhấn mạnh.

Thêm vào đó, Uỷ ban cũng lo lắng nếu áp dụng biên độ lệch hay mở biên độ như cũ mà thị trường “shock”, lại giảm tiếp thì sẽ rất bất lợi. Do đó, Ủy ban sẽ cân nhắc kỹ lưỡng và trình Bộ tài chính phương án cụ thể, rồi công bố sớm cho nhà đầu tư.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm