Công ty bà Thanh Phượng ăn nên làm ra nhờ "cơn sốt" đầu tư chứng khoán
(Dân trí) - Kết quả kinh doanh của VCSC đã cải thiện đáng kể trong quý 2 vừa qua, chủ yếu do sự thuận lợi của thị trường chứng khoán, VN-Index tăng trưởng 31% và lãi sau thuế của VCSC cũng tăng 46,4% so cùng kỳ.
Nhóm cổ phiếu của các công ty chứng khoán trong sáng nay (21/7) có phiên giao dịch không thuận lợi. Các mã trong ngành đồng loạt bị bán mạnh và giảm giá.
SSI giảm 1,94% còn 15.150 đồng/cổ phiếu; HCM giảm 1,86% còn 18.450 đồng/cổ phiếu; VND giảm nhẹ 0,39% còn 12.650 đồng. Không nằm ngoài xu hướng, VCI của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng giảm 1,71% còn 22.950 đồng/cổ phiếu.
VCSC vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2020 với kết quả kinh doanh cải thiện đáng kể so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ lên 407 tỷ đồng, trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi /lỗ (FVTPL) tăng 16,5% đạt 215,2 tỷ đồng.
Công ty còn được hoàn nhập hơn 75,4 tỷ đồng từ FVTPL nên lãi sau thuế tăng mạnh 46,4% so với cùng kỳ lên 205 tỷ đồng. Tuy vậy, doanh thu môi giới lại giảm 13,2% xuống 105 tỷ đồng và doanh thu tư vấn tài chính giảm tới 91,7% còn 1,4 tỷ đồng.
Theo lý giải của lãnh đạo VCSC, trong quý 2/2020, thị trường chứng khoán diễn biến tích cực, VN-Index tăng 31% từ 662,53 điểm tại ngày 31/3/2020 lên 825,11 điểm tại ngày 30/6/2020, ảnh hưởng đến việc đánh giá lại các khoản đầu tư tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) của hoạt động tự doanh chứng khoán. Đó cũng là nguyên nhân chính làm cho chi phí giảm 59% tương ứng giảm 139 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của VCSC tăng 1,7% lên 786 tỷ đồng nhưng lãi sau thuế lại giảm 5,4% còn 323,6 tỷ đồng.
Phiên giao dịch sáng nay, thị trường rung lắc và các chỉ số vẫn chưa thể thoát ra được tình trạng giảm điểm.
VN-Index tạm nghỉ với mức thiệt hại 3,71 điểm tương ứng 0,43% xuống còn 857,69 điểm trong khi HNX-Index mất 1,05 điểm tương ứng 0,91% còn 114,67 điểm và UPCoM-Index giảm 0,24 điểm tương ứng 0,42% còn 57,05 điểm.
Thanh khoản vẫn thấp, đạt 147,05 triệu cổ phiếu tương ứng 2.686,76 tỷ đồng trên HSX và 19.06 triệu cổ phiếu tương ứng 200,93 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 10,69 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 107,56 tỷ đồng.
Nhịp độ giao dịch trên thị trường vẫn khá buồn ngủ. Số lượng mã không hề diễn ra giao dịch nào hiện chiếm tỉ lệ rất lớn với 974 mã. Trong khi đó, sắc đỏ bao trùm cả ba sàn. Có tổng cộng 396 mã mất giá, 26 mã giảm sàn so với 192 mã tăng, 27 mã tăng trần.
Điểm tích cực là trong rổ VN30 đã có một số mã hồi phục. Đáng kể nhất là SAB với mức tăng 1.900 đồng tương ứng 1% lên 192.900 đồng; SBT cũng tăng 1% lên 15.100 đồng, REE tăng 0,9% lên 32.700 đồng, NVL, CTD, GAS, MSN, MWG và VIC cũng đều tăng giá. Tuy vậy, với mức tăng nhẹ nên ảnh hưởng của những mã này lên chỉ số chính khá khiêm tốn.
Sau khi có thông tin được thêm vào rổ VN30 sau kỳ cơ cấu mới, cổ phiếu TCH tăng giá 400 đồng lên 21.900 đồng, khớp lệnh đạt cao với 9,63 triệu cổ phiếu trong khi đó KDH đứng tham chiếu 24.600 đồng.
Ở chiều ngược lại, việc các “ông lớn” như VHM, VCB, VNM, BID mất giá đã khiến tình hình thị trường trở nên bất lợi hơn. Trong rổ VN30, SSI có thiệt hại nặng nhất, mất 1,9% còn 15.150 đồng/cổ phiếu; PLX mất 1,6% còn 45.650 đồng; VHM mất 1,3% còn 78.200 đồng, CTG cũng mất 1,1%; MSN mất 1,1%; ROS mất 1%...
Theo lưu ý của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), VN-Index đã lùi lại vùng biên dưới của kênh thăm dò 860-878 điểm.
“Hiện tại vùng 860 điểm vẫn đang đóng vai trò hỗ trợ cho thị trường nhưng với động lực suy yếu đang gia tăng, chúng ta vẫn nên lưu ý rủi ro nếu vùng này không làm tốt vai trò hỗ trợ” - các chuyên gia phân tích cho hay.
Do vậy, nhà đầu tư được khuyên là vẫn nên quan sát thị trường và thận trọng, nếu vùng hỗ trợ 860 điểm bị thất bại thì nên dần đưa danh mục về mức an toàn.