Công trình xây dựng vi phạm vẫn có thể “bành trướng”… vì “vướng” luật
(Dân trí) - Một công trình xây dựng bị xử phạt vi phạm hành chính vẫn có thể tiếp tục thi công, mở rộng diện tích vi phạm do “vướng” trong việc áp dụng pháp luật.
Sở Xây dựng TPHCM đã tổ chức buổi Hội nghị chuyên đề về công tác Quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TPHCM năm 2018.
Ông Lý Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM cho biết, từ đầu năm 2018, lực lượng thanh tra Sở đã phối hợp với UBND cấp xã, cấp huyện, ban quản lý các khu đô thị mới, khu chế xuất – khu công nghiệp thực hiện công tác kiểm tra vi phạm trong hoạt động xây dựng với 120.868 lượt kiểm tra. Trong đó, tổng số trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng là 2.942 trường hợp.
Theo ông Long, lực lượng thanh tra xây dựng TPHCM cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm tra, xử lý.
Có hai trở ngại lớn nhất đó là khó khăn và vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật và khó khăn về việc ban hành, tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm.
Cụ thể, về khó khăn và vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật, ông Long cho rằng, Luật Xây dựng năm 2014 không quy định về việc áp dụng biện pháp ngừng cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng. Nghị định 139/2017 của Chính phủ và Thông tư số 03/2018 của Bộ Xây dựng cũng không quy định việc ban hành quyết định đình chỉ thi công công trình xây dựng.
Chính vì vậy, trên thực tế, khi bị lập biên bản vi phạm hành chính, chủ đầu tư vẫn tiếp tục thi công xây dựng, tăng diện tích vi phạm dẫn đến khó khăn trong việc cưỡng chế và xử lý vi phạm.
Một số thuật ngữ trong Luật xử lý vi phạm hành chính cũng chưa được giải thích rõ ràng nên việc áp dụng còn chưa thống nhất, ví dụ như những cụm từ: “trình độ lạc hậu”, “có quy mô lớn”, “vi phạm hành chính nghiêm trọng”, “hành vi trốn tránh”, “trì hoãn”….
Ngoài ra, cách tính thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính, cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản cũng còn nhiều bất cập gây khó khăn trong công tác xử lý của lực lượng thanh tra xây dựng.
Về việc ban hành, tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm, vị Chánh Thanh tra Sở Xây dựng cho biết, theo quy định, đối với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho Chánh Thanh tra Sở ban hành, trong trường hợp hết thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức vi phạm không xuất trình được giấy phép xây dựng hoặc được điều chỉnh thì lực lượng chức năng ra thông báo thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không tự giác chấp hành biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm thì Chánh Thanh tra Sở Xây dựng có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình. Đồng thời phải tổ chức thực hiện việc cưỡng chế phá dỡ.
“Thế nhưng, trên thực tế, thanh tra Sở Xây dựng sẽ không đảm bảo được các điều kiện và thành phần tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trên địa bàn thành phố như: lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, PCCC, y tế, dân vận…”, ông Long nói.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, hiện nay, nhiều dự án bất động sản đang triển khai tốt, hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số chủ đầu tư không thực hiện đúng theo Luật Kinh doanh bất động sản.
Điển hình như việc chủ đầu tư giao nhà không đúng tiến độ, một căn hộ bán cho nhiều người, giao nhà không đúng cam kết ban đầu…Những việc này không những mang đến những “lùm xùm” cho dự án mà còn khiến cho tình hình an ninh trật tự trên địa bàn trở nên phức tạp.
Nhiều khách hàng bức xúc với chủ đầu tư dự án đã tổ chức tập trung phản đối, căng băng rôn biểu tình trước trụ sở các cơ quan chính quyền.
“Người dân không đến tòa án đâu, mà họ toàn đến Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện thôi. Đi đến đâu họ cũng tụ tập đông người, băng rôn các kiểu, biểu ngữ các kiểu có tổ chức đàng hoàng. Thậm chí, họ còn tổ chức chuyên nghiệp hơn cả các tổ chức tuyên truyền, cổ động mít tinh, diễu hành ở phường, xã”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, Sở Xây dựng TPHCM sẽ tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính để kịp thời có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh hoặc bãi bỏ những thủ tục, thành phần hồ sơ không còn phù hợp với quy định mới trong công tác cấp phép xây dựng và thực tiễn đô thị.
Phối hợp với các địa phương tập trung xử lý nhà ở, công trình lấn chiếm hành lang bờ sông, kênh rạch. Tăng cường công tác phối hợp quản lý trật tự xây dựng, cải thiện và ngăn chặn hiệu quả tình hình vi phạm trật tự xây dựng.
Sở cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sớm có văn bản hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 139/2017 của Chính phủ và Thông tư số 03/2018 của Bộ Xây dựng.
Đại Việt