Công trình xanh: Chi phí đầu tư cao, lợi ích bền vững

Trường Thịnh

(Dân trí) - Xây dựng công trình xanh (CTX) là xu hướng tất yếu trong chiến lược phát triển nền kinh tế xanh của nước ta, tuy vậy các doanh nghiệp vẫn không mấy mặn mà vì chi phí đầu tư cao.

Thực tế những doanh nghiệp tiên phong CTX cho thấy, chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng CTX đem lại nhiều lợi ích bền vững cho chính doanh nghiệp và cộng đồng.

Công trình xanh: Chi phí đầu tư cao, lợi ích bền vững - 1

Xây dựng CTX mang lại nhiều lợi ích bền vững cho doanh nghiệp và cộng đồng

Bài toán chi phí và lợi ích

Theo các chuyên gia, phát triển đô thị xanh và công trình xanh là một nội dung trong Chương trình quốc gia về tăng trưởng xanh. Đầu tư vào công trình xanh sẽ góp phần bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, tuổi thọ công trình cao (giảm khoảng 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước sử dụng)…

Cũng theo tính toán của một chuyên gia ngành, ở Việt Nam nếu sử dụng các biện pháp thiết kế kiến trúc và kết hợp với trang thiết bị nội thất hiện đại thì chi phí đầu tư CTX cao hơn công trình thông thường cùng loại trung bình khoảng 5%, cao nhất khoảng 15%, nhưng chi phí vận hành sử dụng CTX sẽ tiết kiệm hơn công trình thông thường từ 20-30% do tiết kiệm sử dụng năng lượng, nước sạch và các chi phí khác. Bởi vậy, chỉ sau 4-5 năm vận hành CTX, số tiền tiết kiệm có thể bù đắp vốn đầu tư. Từ năm thứ 5 trở đi và lâu dài về sau tổng lợi ích tiết kiệm chi phí vận hành ngày càng lớn.

Bên cạnh lợi ích về kinh tế mang lại cho doanh nghiệp, nhiều nghiên cứu cho thấy CTX còn tạo ra môi trường làm việc khỏe mạnh cho nhân viên và nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, do sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm, cũng như sử dụng năng lượng tái tạo, các CTX còn làm giảm đáng kể phát thải là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.

Công trình xanh: Chi phí đầu tư cao, lợi ích bền vững - 2
Các doanh nghiệp đầu tư CTX, sản xuất bền vững tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường

Trong làn sóng tiêu dùng xanh đang lan tỏa mạnh mẽ trên cả nước, các doanh nghiệp đầu tư CTX, sản xuất bền vững chính là đang tạo ra lợi thế cạnh tranh của mình trên thị trường. Kết quả của một số điều tra thị trường trong những năm gần đây đã cho thấy sự quan tâm đến tiêu dùng bền vững của người dân ngày càng gia tăng.

Theo Báo cáo xu hướng tiêu dùng giấy và bao bì năm 2019, phần lớn người tiêu dùng lưu tâm đến tính bền vững trong thói quen chi tiêu của mình, sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho thực phẩm được đóng gói bằng vật liệu thân thiện môi trường. Khảo sát của hãng Nielsen cho thấy, 73% người tiêu dùng thế hệ millennials (sinh từ năm 1980- 2000) tại Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn cho những thương hiệu bền vững.

Hiệu quả từ những CTX đã vận hành

Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng chủ yếu 4 loại tiêu chuẩn công trình xanh bao gồm LEED (Hội đồng công trình xanh Mỹ), LOTUS (Hội đồng công trình xanh Việt Nam), GREEN MARK (Hội đồng Công trình xanh Singapore) và EDGE (IFC Tổng công ty tài chính quốc tế – một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới). Theo thống kê, hiện nay cả nước mới có khoảng 146 CTX.

Theo con số cập nhật mới nhất của Hội đồng Công trình xanh (VGBC) đến hết tháng 5/2020, Việt Nam có 77 công trình xanh đạt chứng nhận LEED – chứng chỉ CTX được cho là khắt khe bậc nhất. Hệ thống LEED đề ra 4 cấp độ xếp loại từ thấp tới cao: “Đạt chuẩn”, “Tiêu chuẩn bạc”, “Tiêu chuẩn vàng” và “Tiêu chuẩn bạch kim”. Trong đó, để đạt cấp độ càng cao, chi phí đầu tư của doanh nghiệp vào CTX sẽ càng tăng.

Công trình xanh: Chi phí đầu tư cao, lợi ích bền vững - 3

Nhà máy Tetra Pak Bình Dương là CTX đạt chứng nhận LEED cấp độ Vàng

Ví dụ, trong ngành công nghiệp sản xuất bao bì giấy tính đến thời điểm này có 2 CTX, trong đó nhà máy sản xuất hộp giấy vô trùng đầu tiên của Việt Nam, do Tetra Pak xây dựng tại Bình Dương được cấp Chứng chỉ LEED Vàng – Phiên bản 4 cho cả 4 công trình, gồm tòa nhà sản xuất, văn phòng, tòa nhà hỗ trợ và nhà kho vào đầu năm nay. Sau hơn một năm đi vào hoạt động, CTX đạt cấp độ LEED Vàng duy nhất tính đến thời điểm này, đã chứng minh những giá trị bền vững đem lại cho chính doanh nghiệp này, cho môi trường, và cho cộng đồng.

Theo chia sẻ của đại diện nhà máy Tetra Pak Bình Dương, nhà máy có tổng giá trị đầu tư 120 triệu euro xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn LEED Vàng, đã tiết kiệm được 17.6 triệu lít nước và năng lượng điện tới 8,565 MWh/năm, tái sử dụng và tái chế 65% chất thải. Đặc biệt, nhà máy này có thể giảm phát thải 4.000 tấn CO2 ra môi trường mỗi năm.

Bên cạnh đó, xây dựng theo tiêu chuẩn cao LEED Vàng, khuôn viên của nhà máy Tetra Pak Bình Dương còn được phủ xanh 34,6ha với 31 loại cây khác nhau, giúp tăng lượng oxy lên tới 4 lần. Ngoài ra, hơn 70% sản phẩm trong nhà máy này đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt về phát thải hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, và đạt được tiêu chuẩn chất lượng không khí nghiêm ngặt đối với 37 hợp chất. Riêng nồng độ formaldehyd thấp hơn tới 66% so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Nhờ đó, nhà máy sản xuất hộp giấy này đã tạo ra môi trường làm việc xanh, sạch cho người lao động, đồng thời tăng năng suất lao động đáng kể.

Phát triển CTX tại Việt Nam được cho là mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, bởi vậy những doanh nghiệp đi đầu, đầu tư vào CTX đã và đang nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng. Những lợi ích bền vững thể hiện bằng con số cụ thể mà những CTX tiên phong này đang mang lại cho doanh nghiệp, cho môi trường, cho người lao động …sẽ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của CTX trong thời gian tới. Bởi, phát triển bền vững và sản xuất thân thiện với môi trường không chỉ là xu thế kinh doanh trên toàn cầu đang hướng tới, mà Việt Nam cũng không thể nằm ngoài quỹ đạo phát triển này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm