1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Việc giao khoán của Công ty cà phê Đắk Đoa:

Công nhân dựng lều phản đối công ty

(Dân trí) - 3 ngày nay (từ 7/11), hơn 200 công nhân Công ty Cà phê Đắk Đoa (Vinacafe) lại cơm đùm, cơm nắm dựng lều bạt trước cổng công ty để phản đối phương án giao khoán, quyết không chịu làm “con nợ” thay.

Mặc cho thời tiết mưa lạnh, hàng trăm công nhân vẫn bới cơm, dựng lều nghỉ qua đêm trước cổng Công ty để yêu cầu giải quyết quyền lợi chính đáng cho mình.
 
Công nhân dựng lều phản đối công ty - 1
3 ngày nay hàng trăm công nhân ăn, ở tại công ty để phản đối phương án giao khoán vì họ cho rằng "thất nghiệp là con cái thất học"

Họ cho rằng, sở dĩ phương án giao khoán mới bóp nghẹt quyền và lợi ích của người công nhân, đẩy công nhân vào đường bần cùng là bởi số tiền hơn 22 tỷ đồng từ “trên trời rơi xuống".

Theo các công nhân ở đây, trong các phương án giao khoán từ năm 2010 trở về trước, họ không hề biết đến con số nợ hơn 22 tỷ đồng, họ cũng không hề phải đóng hơn 4 triệu đồng tiền lãi/ha cà phê như phương án giao khoán mới. Chính vì vậy, họ cho rằng số tiền này là do lãnh đạo công ty tự áp vào để bắt công nhân phải trả nợ thay cho mình.

Và có thể thấy ngay sự bất cập trong phương án “nửa cứng, nửa mềm” của Công ty Cà phê Đắk Đoa khi so sánh với Công ty Cà phê Ia Sao 1. Đây đều là 2 “đứa con ruột” của Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), đều là 2 công ty tách ra từ Công ty Cà phê Ia Sao.
 
Công nhân dựng lều phản đối công ty - 2
Họ dựng lều ngủ tại công ty để chờ câu trả lời thỏa đáng của các cơ quan chứng năng có liên quan

Dù tổng diện tích của 2 công ty “con” này không chênh lệch nhau là mấy, nhưng phương án xây dựng giao- nhận khoán lại khá khác xa nhau.

Công ty Cà phê Ia Sao 1 với tổng diện tích là 360 ha cà phê nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ hơn một nửa so với Công ty Cà phê Đắk Đoa xây dựng (350 ha cà phê với chi phí hơn 4 tỷ 700 triệu đồng). Trong khi đó năng suất bình quân mà Công ty Cà phê Ia Sao 1 xây dựng là 11.400kg (hơn Đắk Đoa 1 tạ).
Cũng với phương án doanh nghiệp đầu từ 64,5% vốn còn lại là công nhân đầu tư, trong phương án giao- nhận khoán của Công ty Cà phê Ia Sao 1, công nhân phải nộp 6.259kg cà tươi/ha (thấp hơn so với Đắk Đoa hơn 1 tấn). Nhưng phương án này đã bị công nhân phản đối, vì họ cho rằng sản lượng nộp khoán vẫn còn quá cao.

Sau khi cân đo, đong đếm lợi ích hài hòa giữa công ty và công nhân, Công ty Cà phê Ia Sao 1 đã đưa ra phương án khoán trắng với sản lượng phải nộp là 2.950 kg/ha. Và phương án giao khoán này đã nhận được sự nhất trí của tập thể công nhân Ia Sao 1.

Chính vì có thể nhìn thấy rõ ràng sự khác biệt nhau về phương án giao khoán, nên hàng trăm công nhân Công ty Cà phê Đắk Đoa đã không thể chấp nhận phương án giao khoán “nửa cứng, nửa mềm”, cùng với khoản nợ bỗng dưng “rơi” xuống đầu họ.

Và điều họ không thể cam chịu đó là trở thành những người thất nghiệp sau bao nhiêu năm đổ mồ hôi xây dựng công ty: “Chúng tôi, con cháu chúng tôi đều ở trên mảnh đất này. Hơn 350 ha cà phê và trụ sở của công ty ngày hôm nay đều là do chúng tôi xây dựng nên, nên chúng tôi không thể trở thành những người thất nghiệp, con cái thất học phải tha phương cầu thực…Vậy mà khi làm việc với chúng tôi, lãnh đạo Công ty Cà phê Đắk Đoa lại nói không có thẩm quyền gì cả, không thể thay đổi phương án giao khoán này theo đề nghị của công nhân vì Vinacafe đã quyết định như vậy rồi”, một công nhân bức xúc trình bày.

Thiên Thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm