Công nghiệp Trung Quốc trên bờ vực sụp đổ dù kinh tế đã mở cửa trở lại

(Dân trí) - Trong quý 1/2020 năm nay, ngành công nghiệp Trung Quốc gần như “mò kim đáy bể” không ra lợi nhuận, chịu thua lỗ khi nhu cầu tiêu thụ giảm gần 40%.

Cụ thể, ngành công nghiệp chế tạo ô tô ảnh hưởng nghiêm trọng, lãi suất giảm đến 80%. Hàng loạt các lĩnh vực khác như hóa chất, luyện kim cũng đang gặp tình trạng tương tự dù Trung Quốc đã dần mở cửa nền kinh tế trở lại.

Công nghiệp Trung Quốc trên bờ vực sụp đổ dù kinh tế đã mở cửa trở lại - 1
Các ngành công nghiệp của Trung Quốc gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19. Ảnh: SCMP

Trong những tháng đầu năm khi chính phủ ban hành lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, các tập đoàn công nghiệp lớn của Trung Quốc đã gần như nằm trên bờ vực sụp đổ do lợi nhuận lao dốc.

Trong 3 tháng đầu năm, các công ty công nghiệp đã chứng kiến lợi nhuận giảm đến 36,7%, “đi đầu” là ngành chế tạo ô tô với mức giảm khổng lồ 80,2%.

Tính trong tháng 3, lợi nhuận của ngành công nghiệp giảm 34,9%, cải thiện đáng kể so với mức giảm kỷ lục 38,3% trong 2 tháng đầu năm nay.

Trong lĩnh vực hóa chất, lợi nhuận chế biến kim loại màu giảm 55,7%. Trong số 41 ngành công nghiệp của Trung Quốc, duy nhất chỉ có 2 ngành không bị giảm tốc, đó là thuốc lá và chế biến thực phẩm. Hai ngành này đang duy trì mức độ tăng trưởng ổn định thậm chí là vượt trội ngay cả giữa đại dịch Covid-19.

Các trung tâm kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đã buộc phải ngừng hoạt động từ cuối tháng 1, do virus corona bùng phát mạnh từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khiến các công nhân nghỉ lễ bị mắc kẹt ở quê nhà hoặc ở thành phố nơi họ đã đi du lịch trong kỳ nghỉ cùng gia đình.

Công nghiệp Trung Quốc trên bờ vực sụp đổ dù kinh tế đã mở cửa trở lại - 2
Việc đóng cửa nền kinh tế đã khiến cho GDP Trung Quốc thu hẹp 6,8% trong quý đầu tiên sau gần ba thập kỷ. Ảnh: Reuters

Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã dần trở lại hoạt động, nhưng vẫn còn một số thách thức. Công ty tư vấn kinh tế Trung Quốc -Trivium - có trụ sở tại Bắc Kinh ước tính rằng, hoạt động kinh doanh đang ở mức 82,8% so với trước khi đại dịch xảy ra. Các tập đoàn, nhà máy có quy mô lớn thì dễ dàng “hội nhập” trở lại hơn các công ty nhỏ lẻ.

Các công ty cũng đang trải qua một làn sóng hồi phục kinh tế thứ hai, khi đại dịch Covid-19 khiến cho hàng triệu người dân trên toàn thế giới mất việc. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm trầm trọng cùng với việc đóng cửa biên giới khiến cho việc xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài gặp nhiều khó khăn hơn.

Hương Vũ

Theo SCMP