1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Công nghiệp điện tử “nội” và bi kịch nhập siêu

(Dân trí) - Các nhà sản xuất điện tử nước ngoài có mặt ở Việt Nam chủ yếu chỉ làm công đoạn cuối là lắp ráp, đóng gói với những linh kiện sản xuất được nhập khẩu. Ngành công nghiệp điện tử đang dần trở về vạch xuất phát khi không còn được bảo hộ trong nước.

Công nghiệp điện tử “nội” và bi kịch nhập siêu - 1
Công nhân lắp ráp linh kiện điện tử dân dụng tại một công ty của Nhật tại khu chế xuất Tân Thuận (ảnh: SGTT).
 
Bi kịch hay thời cơ?
 
Không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp Nhật đều xin thời hạn hoạt động cho liên doanh của mình tại Việt Nam chỉ có 10 năm, có thể kể đến như JVC, Toshiba, Matsushita…
 
Thời hạn này ngắn hơn nhiều so với các công ty đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc… Bởi khi đó, theo lộ trình gia nhập AFTA, thuế nhập khẩu hàng điện tử nguyên chiếc của Việt Nam giảm dần xuống còn 0-5% vào năm 2006 so với mức thuế trước đó từ 40% trở lên.
 
Thậm chí, năm 2008, một thương hiệu điện tử toàn cầu là Sony đã tuyên bố đóng cửa nhà máy sản xuất ở Việt Nam dù phải tới năm 2010 mới hết thời hạn chấm dứt hoạt động.
 
Tại thời điểm trên, các chuyên gia đã khẳng định (đăng trên TBKTSG ngày 27/8), các doanh nghiệp điện tử của Nhật đến Việt Nam trong thời gian 10 năm đăng ký hoạt động chủ yếu là mở nhà máy lắp ráp trong nước để “lách” chính sách thuế nhập khẩu.
 
Đây cũng là khoảng thời gian để họ củng cố thị phần bởi vì thuế nhập khẩu linh kiện rời không đồng bộ khi đó chỉ ở mức từ 7-15%. Hơn thế, ngành sản xuất linh kiện Việt Nam vẫn bị các nhà đầu tư đánh giá còn yếu kém, giá sản phẩm lại cao hơn nhiều so với linh kiện nhập.
 
Tiếp nữa, theo lộ trình cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ năm 2009, Việt Nam cho phép thương nhân và công ty nước ngoài thực hiện chức năng nhập khẩu. Sony và các công ty điện tử Nhật khác muốn tận dụng chính sách này để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam, sử dụng sản phẩm được sản xuất ở các nhà máy khác của Sony toàn cầu để cung cấp cho thị trường này.
 
Ông Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội điện tử - tin học Việt Nam cho rằng thực chất các doanh nghiệp đó đã tận dụng thành công thời gian bảo hộ cho các nhà sản xuất trong nước, khi mà thuế suất thuế nhập khẩu hàng điện tử những năm trước đây lên đến trên mức 40% và hàng sản xuất trong nước được bảo hộ.
 
Khi mức thuế dành cho mặt hàng điện tử nhập khẩu chỉ còn 5% đến 0% như hiện nay thì việc chuyển hướng của họ bằng cách chấm dứt liên doanh là bước chuẩn bị rất kịp với thương trường.
 
Công nghiệp điện tử vẫn là con số không
 
Trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu nhóm hàng linh kiện, sản phẩm điện tử và máy vi tính đã tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm trước và đạt kim ngạch 1,82 tỉ đô la.
 
Kết quả trên thoạt nghe tưởng như là một tín hiệu mừng cho ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam song thực chất thì hoàn toàn ngược lại. Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhất vẫn là máy in, chiếm khoảng 1/3 doanh thu xuất khẩu.
 
Trong khi đó, mặt hàng máy tính xách tay mà Bộ Công Thương trông đợi sẽ góp phần làm thay đổi thị phần và định hướng xuất khẩu sản phẩm điện tử của Việt Nam, qua 6 tháng mới xuất được gần 6.000 chiếc, trị giá 1,1 triệu đô la Mỹ và đứng thứ 12 trong danh sách các sản phẩm điện tử xuất khẩu.
 
Và đáng chú ý, để có được những thành phẩm này, các nhà lắp ráp trong nước đã phải nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài rồi sau đó xuất đi.
 
Ông Hùng khẳng định: “Công nghiệp điện tử ở Việt Nam có thể nói gần như con số không. 95-98% sản phẩm điện tử, tin học xuất đi từ Việt Nam là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng trong các sản phẩm điện tử, máy tính xuất đi từ Việt Nam chỉ vài phần trăm”.
 
Điều này cũng đồng quan điểm với nhiều chuyên gia rằng điện tử là ngành tự động hóa cao nên giá nhân công rẻ hầu như không mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, mà sức cạnh tranh nằm ở khả năng sản xuất và cung cấp linh kiện.
 

“Đây là một thất bại trong chính sách”

Đây là một diễn biến chúng ta hoàn toàn có thể thấy trước được. Khi Việt Nam gia nhập WTO, khối thương mại tự do Asean (AFTA) đều phải cam kết sẽ phải giảm thuế nhập khẩu xuống. Khi giảm thuế xuống một mức nhất định, họ sẽ nhập khẩu hàng hóa ở các nước xung quanh, như vậy rẻ hơn việc lắp ráp tại Việt Nam với chi phí lao động tăng lên.

Nếu chúng ta không có phương thức để đối phó thì sẽ là người thua cuộc. Chúng ta mời họ vào đây, cho họ nhiều ưu đãi về thuế, về đất đai để rồi đến bây giờ họ chẳng những không tạo ra được công ăn việc làm, không chuyển giao công nghệ mà còn đem thêm gánh nặng nhập siêu.

Không chỉ trong lĩnh vực điện tử, ô tô cũng như thế và tình hình đó sẽ diễn biến rất kịch tích. Đây là một thất bại trong chính sách, chúng ta cần phải xem xét lại. (Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh)

 
Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm