Hàng điện tử ngoại bắt đầu “đổ bộ” Việt Nam
Còn hơn 2 tháng nữa Việt Nam mới chính thức mở cửa thị trường bán lẻ. Tuy nhiên hiện nhiều mặt hàng điện máy, điện lạnh từ nhiều nước trong khu vực bắt đầu tràn về khiến giá cả tiếp tục giảm mạnh.
Các tập đoàn bán lẻ thế giới sẽ chính thức vào cuộc chơi, người tiêu dùng sẽ có cơ hội chọn lựa hàng hóa nhưng các hãng sản xuất lắp ráp hàng điện tử trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Tăng tốc nhập khẩu
Theo thông tin từ các siêu thị, trung tâm điện máy tại TPHCM, những tuần gần đây đã có một số đơn vị nhập khẩu mới liên hệ chào hàng các sản phẩm điện máy, điện lạnh (kể cả hàng gia dụng) có xuất xứ từ châu Âu, Mỹ. Nhiều sản phẩm khá độc đáo, chưa có tại thị trường VN.
Theo giới kinh doanh, hiện đã có một số tập đoàn bán lẻ nước ngoài thuộc lĩnh vực điện máy hoạt động tại VN. Mức độ hoạt động còn trong giai đoạn thăm dò nhưng sẽ thật sự tăng tốc ngay từ đầu năm 2009 (tức rơi vào thời điểm mua sắm dịp Tết, mãi lực thường tăng cao).
Đối với các nhà nhập khẩu hàng điện máy trong nước, để chủ động nguồn hàng, cũng như đối phó với tình hình mới, hiện nhiều đơn vị đang tăng tốc nhập hàng với số lượng tăng từ 20 - 30% so với bình thường.
Các loại hàng được nhập nhiều là sản phẩm của các hãng chưa sản xuất tại VN, kể cả loại thông dụng nhưng có nhiều tính năng, mẫu mã so với hàng trong nước.
Ông Trần Hữu Tài, giám đốc một doanh nghiệp (DN) chuyên nhập khẩu hàng điện tử, cho biết nguồn hàng chủ yếu là của các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia do giá hàng rẻ, mức thuế nhập khẩu lại thấp...
Ông Liên An Thạch, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị Siêu thị Điện máy Chợ Lớn, cũng cho biết giá nhiều mặt hàng điện máy trong nước và hàng nhập khẩu đang giảm khá mạnh (từ 10 - 30% so với đầu năm) do các nhà phân phối lo ngại hàng ngoại sắp tới sẽ tràn về nhiều hơn với mức giá cạnh tranh nên tranh thủ giải phóng hàng.
DN sản xuất lo lắng
Trước tình trạng trên, các DN điện tử trong nước gần đây đã phải liên tục tìm cách ứng phó như hạn chế dần việc sản xuất những sản phẩm có tính cạnh tranh cao như tivi, đầu đĩa... chuyển sang sản xuất hàng điện lạnh, điện gia dụng với mức giá mềm.
Một số DN thành lập công ty con để nhập hàng, lập hệ thống phân phối riêng. Theo tính toán của họ với mức thuế hiện nay, việc nhập hàng thành phẩm từ các nước trong khu vực với mức thuế 5% sẽ có lợi hơn so với mức thuế nhập linh kiện về lắp ráp là 3 - 4% (chưa kể chi phí lắp ráp, sản xuất)...
Ngay các hãng điện tử có vốn đầu tư nước ngoài cũng đang phải tính toán lại việc sản xuất trong thời gian sắp tới.
Ông Vũ Hoàng Chương, Phó Tổng Giám đốc Công ty JVC VN, cho biết JVC VN tiếp tục gia hạn hoạt động tại VN thêm 2 năm nữa (đến tháng 12/2010). Dù hiện nay JVC đang sản xuất bình thường nhưng vẫn phải vừa sản xuất vừa theo dõi tình hình để có biện pháp điều chỉnh thích hợp khi các đại gia bán lẻ trên thế giới thật sự vào cuộc.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Samsung VN, cũng cho biết do công ty đã đầu tư 36 triệu USD nên sẽ còn hoạt động dài hạn tại VN (đến năm 2015). Tuy nhiên, để cạnh tranh, hãng này cũng sẽ nhập khẩu những mặt hàng Samsung chưa sản xuất tại VN nhằm đa dạng hóa sản phẩm...
Nhiều hãng điện tử cho biết điều họ lo ngại nhất là đến năm 2010, thời điểm các biểu thuế theo lộ trình gia nhập WTO với mức thuế giảm khá mạnh, được áp dụng cho tất cả các khu vực, lúc đó hàng ngoại giá rẻ sẽ có cơ hội tràn về nhiều hơn.
Theo Nguyễn Hải
Báo Người lao động