Cơ cấu công nghiệp điện tử mất cân đối nghiêm trọng

(Dân trí) - Với tốc độ tăng trưởng 20 - 30%, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang hướng tới 10 tỷ USD doanh thu xuất khẩu/năm. Nhưng cơ cấu sản phẩm của ngành này đang mất cân đối nghiêm trọng khi công nghệ, thiết bị lạc hậu 10 - 20 năm so với khu vực.

Ngành công nghiệp điện tử (CNĐT) Việt Nam (VN) được hình thành và phát triển từ những năm đầu của thập niên 90. Theo định hướng chiến lược phát triển các sản phẩm của ngành công nghiệp thì mặt hàng điện tử và linh kiện máy tính được xếp vào nhóm trọng tâm ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2006 - 2010.

Nhờ có quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế, ngành CNĐT đã thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài (tính đến hết năm 2003, lượng vốn đầu tư nước ngoài rót vào phát triển các dự án về CNĐT đã gần 2 tỷ USD

Từ khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, nhiều dự án điện tử lớn với số vốn từ vài trăm triệu đến vài tỷ USD đã được triển khai tại Việt Nam: Intel với dự án 1 tỷ USD ở Bình Dương nhằm sản xuất đầu đọc quang học cho các sản phẩm DVD, VCD và mô tơ siêu nhỏ dùng cho camera và máy in; Foxcon đầu tư vào VN với số vốn 5 tỷ USD, trong đó lĩnh vực điện tử chiếm 1 tỷ USD...

Trong năm 2009, khi Intel chính thức vận hành nhà máy tại KCN cao tại Bình Dương, ngành CNĐT của Việt Nam sẽ tăng mạnh về doanh thu xuất khẩu và hy vọng đạt 10 tỷ USD mỗi năm.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng của ngành CNĐT nước ta hàng năm khoảng 20 - 30%. Về cơ bản, các sản phẩm điện tử và công nghệ đã thoả mãn được nhu cầu của thị trường nội địa và phát triển xuất khẩu, doanh số thị trường nội địa đạt 1,6 tỷ USD năm 2005, đến năm 2006, con số này đã hơn 2 tỷ USD (tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước).

Xuất khẩu hàng điện tử và linh kiện điện tử của Việt Nam ước đạt 2,75% trong năm 2008 (tăng 28,2% so với năm 2007). Mức tăng trưởng này đã đưa thiết bị điện tử và linh kiện điện tử lên hàng thứ 6 trong số những sản phẩm xuất khẩu chủ chốt của VN.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Hồ Quang Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ngành CNĐT VN vẫn còn một số tồn tại như: Cơ cấu sản phẩm mất cân đối nghiêm trọng, sản phẩm điện tử dân dụng chiếm trên 80%, sản phẩm điện tử chuyên dụng và công nghệ thông tin chỉ chiếm chưa tới 20%; Công nghệ và thiết bị sản xuất lạc hậu 10 - 20 năm so với khu vực và thế giới, hoạt động chủ yếu là lắp ráp đơn lẻ... phụ tùng linh kiện và nguyên vật liệu phụ thuộc quá nhiều vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Mặc dù vậy, theo đánh giá chung, ngành CNĐT có nhiều khả năng tạo ra sự tăng trưởng đột biến trong thời gian tới và nếu có những định hướng phát triển phù hợp thì đây sẽ là một trong những ngành hàng tạo kim ngạch xuất khẩu lớn của VN trong 5 năm tới.

Khi những dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực này của Intel, Foxcon, Meikom... chính thức đi vào hoạt động và với lợi thế về nhân công, những nhà sản xuất hàng điện tử ở các thị trường cạnh tranh lớn như: Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc đang có sự dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam. Do đó, VN cần có những định hướng rõ ràng, cũng như biện pháp cụ thể đẩy nhanh sự tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng điện tử và linh kiện máy tính.

“Các doanh nghiệp điện tử VN cần phải tự tin vào nội lực bản thân, không trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước, nắm vững luật chơi và những cam kết WTO để hoạch định lại chiến lược sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, họ cần tập trung đầu tư theo chiều sâu thay vì đầu tư dàn trải theo chiều rộng như thời gian qua và chủ động tìm kiếm đối tác trong khu vực, nhất là ở các nước có CNĐT phát triển để chào mời hợp tác sản xuất, đầu tư, chuyển giao công nghệ” - TS. Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử VN nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền