Công nghệ thực tế tăng cường: Làn gió mới cho ngành F&B
(Dân trí) - Ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống (F&B) là ngành sôi động và không ngừng thay đổi theo thị hiếu người tiêu dùng. Mới đây, công nghệ AR đã bắt đầu xâm nhập vào ngành F&B, khởi đầu với sự bắt tay của Tetra Pak và Vinasoy.
Xu hướng ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR)
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Mintel, đến năm 2030 sẽ có khoảng 125 triệu thiết bị sử dụng mạng 5G. Điều đó có nghĩa là công nghệ trên điện thoại di động sẽ xóa mờ ranh giới về không gian và thời gian, mở đường cho các công nghệ thực tế ảo (VR) và công nghệ thực tế tăng cường (AR) trong nhiều ngành.
Công nghệ AR được các thương hiệu ưa chuộng vì đây là một công cụ trực quan mạnh mẽ, giúp truyền tải thông điệp theo cách tương tác và hấp dẫn. Makeuseof dự đoán, công nghệ AR sẽ là một trong 8 xu hướng công nghệ bùng nổ thời gian tới.
IDTechEx còn ước tính đến năm 2030 thị trường thực tế ảo tăng cường, thực tế ảo và hỗn hợp sẽ đạt hơn 30 tỷ đô. Các thiết bị hỗ trợ tương tác trên không gian ảo đã cho thấy chúng đóng một vai trò quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau và đang trở thành công nghệ phổ biến trong tương lai rất gần.
"Người khổng lồ" trong lĩnh vực nội thất IKEA đã ứng dụng AR để giúp khách hàng ghép các món đồ nội thất với không gian ngôi nhà của mình, từ đó dễ dàng quyết định có nên mua món đồ đó hay không. Hãng xe sang Mercedes-Benz cũng trang bị công nghệ AR cho dòng xe Mercedes-Benz S-Class 2021[1]. Hãng đồ chơi xếp hình Lego sử dụng AR để giúp khách hàng hình dung sản phẩm sẽ như thế nào sau khi lắp ghép.
Giờ đây, công nghệ AR đã được ứng dụng trong ngành F&B. Điều này xuất phát từ thực tế là sự yêu thích một sản phẩm thường tỷ lệ thuận với mức độ am hiểu của người tiêu dùng với sản phẩm đó. Song việc đưa tất cả thông tin về sản phẩm lên vỏ hộp là khó có thể thực hiện và kể cả nếu được thì cũng rất khó để thu hút người tiêu dùng đọc các thông tin khô khan này.
Công nghệ AR thông qua các mã AR trên vỏ hộp đã làm được điều này khi kể các câu chuyện về sản phẩm một cách sinh động, thú vị và hấp dẫn hơn. Covid-19 càng khiến người tiêu dùng chú ý đến AR code nhiều hơn vì đây là giao tiếp "không tiếp xúc".
Ngành F&B Việt Nam đã có AR
Tại Việt Nam, AR đã xuất hiện trên các vỏ hộp sữa đậu nành Fami từ cuối tháng 12/2021 nhờ sự bắt tay hợp tác giữa Tetra Pak và Vinasoy. Để trải nghiệm công nghệ AR trên vỏ hộp Fami, người tiêu dùng chỉ cần cài app PackStory, sau đó scan mã AR code trên vỏ hộp và tự lựa chọn trải nghiệm câu chuyện về hạt đậu nành hoặc câu chuyện về vỏ hộp giấy.
Trước Việt Nam, công nghệ AR trên vỏ hộp giấy đã được Tetra Pak và các đối tác lần đầu tiên áp dụng vào năm 2019 tại một số thị trường Nam Mỹ. Phản hồi của các nhà sản xuất với ứng dụng PackStory rất tích cực. Đến nay, đã có trên 90 thương hiệu tại 9 quốc gia khác nhau hợp tác với Tetra Pak để đưa công nghệ AR lên vỏ hộp của mình.
"Ứng dụng PackStory của Tetra Pak đã giúp mở cho chúng tôi con đường số hóa trải nghiệm của người tiêu dùng, có thể mang lại giá trị gia tăng khác biệt, sáng tạo và mạnh mẽ cho người tiêu dùng ở tại điểm bán hàng hoặc khi tiêu dùng sản phẩm vào bất kỳ lúc nào", ông Daniel Castro - Giám đốc Thương hiệu Milo của Công ty Nestlé tại Colombia đánh giá.
Đại diện Vinasoy cũng cho biết, giá trị mà AR mang lại nằm ở sự trải nghiệm của khách hàng. "Với bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, phần lớn thời gian của người dùng sẽ dành để tương tác với những thiết bị di động cá nhân. Vì vậy, việc tận dụng ứng dụng công nghệ AR trên vỏ hộp giấy sẽ bổ sung thêm một kênh hoàn toàn mới, sáng tạo và thú vị hơn để chúng tôi tiếp cận tới khách hàng", ông Ngô Văn Tụ - Giám đốc Điều hành Vinasoy cho biết.
Bên cạnh PackStory, Tetra Pak cũng đang đẩy mạnh việc ứng dụng AR, máy học (machine learning) và dữ liệu lớn (big data) vào hoạt động sản xuất và dịch vụ kỹ thuật nhằm giúp các nhà sản xuất F&B tối ưu hoạt động và tiết kiệm chi phí. Công ty cũng đang hướng tới mục tiêu tăng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu tái sinh cho vỏ hộp giấy của mình lên 100%.