1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cộng đồng startup: Làm thế nào để có nhiều Nguyễn Hà Đông?

(Dân trí) - Làn sóng startup ở Việt Nam gần đây đang được lan toả mạnh mẽ, đặc biệt là sau sự kiện của Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird vào năm 2014. Đây là cơ hội giúp Việt Nam trở thành điểm sáng về phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong công nghệ tại châu Á.

Thực chất, các startups chưa cần chính sách cụ thể mà cần những hỗ trợ sát sườn.
Thực chất, các startups chưa cần chính sách cụ thể mà cần những hỗ trợ sát sườn.

Trước thềm Diễn đàn “Khởi nghiệp sáng tạo” do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kết hợp với Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) tổ chức, ông Trịnh Minh Giang - Chủ tịch Nhóm công tác khởi nghiệp sáng tạo của Diễn đàn Kinh tế tư nhân đã có những trao đổi về những khó khăn, thuận lợi của doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Startups gặp khó khăn trăm bề

Ông đánh giá như thế nào về những thuận lợi với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam hiện nay?

Với vai trò là người tham gia các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, tôi nhận thấy, điểm thuận lợi chung cho các startups hiện nay là, các hạ tầng liên quan đến công nghệ đang vượt qua các giới hạn mà trước đây mọi người không hình dung được, chẳng hạn, đường truyền, lưu trữ, quản lý dữ liệu và “access” - quyền sử dụng các thành quả công nghệ đã có trước đây.

Một yếu tố thuận lợi khác là môi trường khởi nghiệp. Trước đây, khi tôi bắt đầu khởi nghiệp 10-11 năm trước, không có nhiều người giúp mình về nhiều mặt. Trong đó, đặc biệt khó khăn về vốn, phải tự huy động và rất khó gọi vốn từ người xa lạ, khó tìm người giúp đỡ mình một cách hệ thống. Nhận thức xã hội lúc đó rất mù mờ, mọi người cảm giác, khởi nghiệp là cái gì đó dành cho người trẻ thôi. Hiện nay, tôi nhận thấy có sự thay đổi về nhận thức từ doanh nghiệp và chính phủ.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam đang hình thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp mạnh mẽ và hiệu quả, trong đó, nổi bật là vai trò của cố vấn khởi nghiệp của các hướng đạo sinh (mentor) vốn có từ lâu ở các nước, giúp nhiều founder startup, đã hình thành chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Bắt đầu manh nha hình thành mạng lưới nhà đầu tư cho công ty khởi nghiệp. Điều này xuất phát từ việc nhiều công ty nước ngoài đưa mô hình đầu tư thiên thần vào. Khi đó, nguồn vốn của nhà đầu tư lớn nhưng làm thế nào xây dựng được cơ chế, thói quen đầu tư là bài toán cùng nhau giải cố gắng. Hy vọng năm nay hoặc năm có thể đưa ra những chỉ dẫn cụ thể và phù hợp môi trường kinh doanh của Việt Nam để thu hút nguồn vốn của các nhà đầu tư.

Vậy theo ông đâu là những rào cản đối với cộng đồng startups?

Cũng giống các nước, khó khăn đầu tiên của các startups là làm thế nào có nhóm làm việc. Ở Việt Nam, khó khăn này cũng có đặc thù riêng, các công ty công nghệ lớn hút người tài nên việc tìm người giỏi công nghệ cùng sáng lập là khó.

Khi hạ tầng công nghệ “tròn trịa" phải có nhóm 6-10 người làm công nghệ nhưng để có nhóm này là cực khó khăn, đặc biệt người lãnh đạo (leader) phải đủ năng lực để giữ được nhóm vì thời gian đầu, khởi nghiệp gần như không có thu nhập.

Hai là, khi có nhóm làm việc gặp thêm khó khăn nữa là làm thế nào có người ở mảng khác cùng tham gia vì một công ty và sản phẩm ra mắt được thì không chỉ cần mỗi công nghệ. Một nhóm làm sản phẩm cần bộ phận làm truyền thông, marketing. Không hiểu thị trường thì không làm ra được, một bạn thuần túy công nghệ không thể ra một sản phẩm thành công.

Mặc dù nhận thức xã hội đã thay đổi theo hướng hỗ trợ tích cực nhưng vẫn chưa đầy đủ. Cộng đồng startup nhận được sự hỗ trợ đông đảo nhưng tính chuyên nghiệp và năng lực của từng người cố vấn khởi nghiệp chỉ dừng ở ngưỡng “biết gì làm nấy”, chưa đủ tri thức và quy trình để hỗ trợ tốt cho startups. Bên cạnh cố vấn, mạng lưới nhà đầu tư cũng còn yếu. Hầu hết các bạn có sản phẩm “tròn trịa”, các bạn chờ đợi các nhà đầu tư nước ngoài là chính. Trong khi đó, nguồn vốn từ các nhà đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo vẫn chưa rõ nét, chưa đủ kỳ vọng, có lẽ phải chờ cuối năm nay hoặc năm sau. nguồn vốn trong nước còn manh nha chưa đủ kỳ vọng.

Ngoài ra, còn nhiều startups có sản phẩm khá tròn trịa nhưng thiếu nhóm kinh doanh trong công ty, thiếu nhân sự có đủ năng lực tiếp cận thị trường. Cần phải bán được sản phẩm đang thử nghiệm. Điều này có thể được cải thiện bằng cách kết nối với các khách hàng tiềm năng, hầu hết các bài toán về công nghệ là giải quyết khó khăn giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cần sự hỗ trợ sát sườn

Vậy thì theo ông, để hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam có hiệu quả, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo cần trang bị những yếu tố gì? Và tại sao lại như vậy?

Khởi nghiệp sáng tạo là nói tới doanh nhân – doanh nghiệp. Khi bắt đầu nghĩ đến việc có thể làm sản phẩm gì phải nghĩ đến thị trường, hoặc từ thị trường nghĩ ra sản phẩm, đó là tư duy của một doanh nhân. Để thành công startups không chỉ trang bị tri thức làm sản phẩm, mà còn cần tri thức về quản trị.

Bên cạnh đó, hiện hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam còn non trẻ từ các startups, nhà cố vấn khởi nghiệp và các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hệ thống pháp lý cũng còn non trẻ, nếu không có hệ thống pháp lý thì quyền lợi các nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng lớn. Do đó, Diễn đàn kinh tế tư nhân sẽ tập hợp những ý kiến đấy này và có đề xuất cụ thể về hành lang pháp lý.

Tuy nhiên, dù VPSF có thể có gợi ý về hành lang để hỗ trợ cho hệ sinh thái với nhiều nhân tố tham gia nhưng bản thân Chính phủ phải tổ chức các đoàn công tác riêng cho vấn đề này. Chúng ta cần hành lang pháp lý không chỉ cho các nhà đầu tư mà cho cả hệ sinh thái và nguồn vốn nước ngoài vẫn đang e ngại hành lang pháp lý của Việt Nam.

Ngoài ra, có thể hỗ trợ đề xuất liên quan đến chính sách và kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam và các tổ chức nước ngoài. Không chỉ tổ chức hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam, startups Việt Nam mà bao gồm các tổ chức khác như các đại sứ quán, hoặc các tổ chức xúc tiến thương mại khác.

Về môi trường khởi nghiệp sáng tạo và chính sách với hoạt động này, theo ông, cần những thay đổi gì để tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công?

Quan trọng nhất của các startups và các founder là cần dồn sức cho nhóm mình và sản phẩm của mình. Ngoài ra, cần đi học, đào tạo, ở đây cần vai trò của tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.

Ví dụ, để hỗ trợ khởi nghiệp, Chính phủ Singapore đơn giản hóa công việc hành chính cho startups. Họ thành lập các co-working space, ở đó, các startups ngồi cùng với nhau và ngồi cạnh phòng đại diện các sở, cơ quan nhà nước có đại diện ngồi làm việc ở đó để giảm thiểu thời gian đăng ký kinh doanh, khai thuế. Khi có sẵn và được hướng dẫn cặn kẽ thì startups sẽ thuận tiện hơn. Thực chất, các startups chưa cần chính sách cụ thể mà cần những hỗ trợ sát sườn như vậy.

Ở Việt Nam, đã có đề án 844 đang giai đoạn duyệt hồ sơ, đó là đề án hỗ trợ qua tổ chức hỗ trợ nhưng chưa đi thẳng vào công ty khởi nghiệp. Cách thức hỗ trợ chưa hiệu quả lắm và chưa đủ sức để kích thích làn sóng hỗ trợ khởi nghiệp.

Khác các nước, các nước có ngân sách cho chính sách dành cho công ty startups, Nhà nước có quỹ để đầu tư ban đầu cho startups, và không quá khắt khe trong việc xét rõ công ty khởi nghiệp là gì, không quá khó apply. Hàn Quốc cũng theo Singapore, không chỉ hỗ trợ cho đơn giản hóa sát sườn mà còn hỗ trợ nguồn vốn ban đầu.

Hay như ở Pháp có chính sách liên quan hỗ trợ các cá nhân thành lập công ty. Những nhà đầu tư tham gia quỹ hưu trí sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Phương Dung