1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cộng đồng kinh tế ASEAN: Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất

(Dân trí) - Đánh giá về cơ hội khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam sẽ là một trong số những nước hưởng lợi nhiều nhất từ việc hội nhập kinh tế khu vực bởi kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào ngoại thương.

Cộng đồng kinh tế ASEAN: Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất - 1

Sáng ngày 22/11/2015, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về “Thành lập Cộng đồng ASEAN” hình thành một nền kinh tế gắn kết với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2.600 tỷ USD (tăng 80% trong 7 năm qua).

Việt Nam là một trong số nước hưởng lợi nhiều nhất

Đánh giá về cơ hội khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam sẽ là một trong số những nước hưởng lợi nhiều nhất từ việc hội nhập kinh tế khu vực bởi kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào ngoại thương.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), AEC sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5%.

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Ngân hàng ADB tại Việt Nam, nhận định: “Cùng với sự gia tăng của các dòng đầu tư và thương mại, tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế hướng tới các ngành có giá trị cao hơn sẽ được đẩy nhanh. Việt Nam sẽ tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu dựa trên năng suất lao động và kỹ năng nghề nghiệp tốt hơn”.

Bên cạnh đó, việc thực hiện lộ trình cam kết từ AEC trong lĩnh vực tài chính giúp thị trường tài chính Việt Nam liên thông với các nước trong khu vực, kỳ vọng sẽ mang lại sự phát triển mạnh mẽ cho kinh tế các nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Hội nhập AEC giúp mở rộng giao thương giữa các nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài gia tăng và hoạt động kinh tế ở khu vực phát triển tất yếu sẽ kéo theo việc gia tăng nhu cầu đối với các dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán ở Đông Nam Á.

Một báo cáo của Viện Chiến lược Chính sách chỉ ra rằng, để đón đầu cơ hội từ AEC, nhiều ngân hàng thương mại của các nước ASEAN đã thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Không chỉ có các ngân hàng, mà sẽ có thêm nhiều tập đoàn, công ty bảo hiểm, chứng khoán cũng sẽ mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam khi AEC đi vào hoạt động.

Sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng mang lại cơ hội cho người tiêu dùng có sự lựa chọn đa dạng hơn các sản phẩm dịch vụ tài chính. Chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao do các doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt hơn, không chỉ với các đối thủ trong nước mà cả các đối thủ đến từ các nước thành viên AEC.

Điểm mặt những thách thức mang tên AEC

AEC là đích hướng tới của các nước ASEAN thông qua thực hiện dần dần các mục tiêu, tự do lưu chuyển hàng hóa, tự do lưu chuyển dịch vụ, tự do lưu chuyển đầu tư, vốn lao động có tay nghề… Tuy nhiên, cần phải hiểu AEC là một tiến trình hội nhập kinh tế khu vực chứ không phải là một thỏa thuận hay hiệp định với các ràng buộc.

Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng, khi các mục tiêu hoàn thành, AEC sẽ mang lại cơ hội lớn cho nền kinh tế nhưng nếu không thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với thách thức vô cùng lớn. Trong đó, đáng kể nhất là sức ép cạnh tranh từ hàng hoá của các nước ASEAN.

"Khi tự do lưu chuyển dịch vụ, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ sẽ bị đặt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Bởi hiện nay, các rào cản đối với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài vào Việt Nam vẫn còn tương đối cao, các doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam thì được “bao bọc” khá kỹ lưỡng. Còn khi tự do lưu chuyển vốn, việc kiểm soát dòng vốn sẽ gặp khó khăn. Đối với doanh nghiệp, có thể sẽ không còn những “hàng rào” bảo vệ doanh nghiệp trước việc rút vốn của đối tác nước ngoài”, Trung tâm WTO và Hội nhập nhìn nhận.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý những tác động tới thị trường lao động bởi AEC sẽ cho phép các lao động có tay nghề cao của 10 quốc gia thành viên được di chuyển tự do trong khu vực. Điều này có thể sẽ khiến những lao động Việt Nam thiếu kỹ năng và kinh nghiệm “đánh mất” cơ hội việc làm vào tay các lao động tới từ các nước khác. Song song với đó là nguy cơ “chảy máu chất xám” khi các lao động có tay nghề lại dịch chuyển sang làm cho các công ty lớn trong khu vực.

Do đó, giới chuyên gia cho rằng, nếu lao động Việt Nam không sớm khắc phục tình trạng năng suất kém, việc dạy và đào tạo các trường dạy nghề chưa theo sát trình độ phát triển của các nước tiên tiến trong khu vực, lao động Việt Nam rất khó để cạnh tranh trong sân chơi khu vực hóa lao động, gia tăng lợi thế của mình và nguy hiểm hơn đánh mất thị trường và cơ hội làm việc ngay tại quê nhà.

Phát biểu tại hội thảo diễn ra tuần qua, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) còn cho rằng, so với kỳ vọng hội nhập, những động lực và tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp Việt đã giảm đi rất nhiều, không ít doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho hội nhập kinh tế ở khu vực ASEAN thể hiện qua mức độ nhận thức còn hạn chế, thiếu sự quan tâm và chuẩn bị kỹ lưỡng.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, chưa bao giờ tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp lại thấp như hiện nay, có đến 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động nội địa không tham gia xuất nhập khẩu do đó không có những cảm nhận như doanh nghiệp xuất khẩu và họ đang phải đối mặt với nhữg mối lo trước mắt quá lớn.

"Chúng ta cần start – up một tinh thần kinh doanh thực sự mạnh mẽ, lúc đó nền kinh tế mới có động lực nội tại để có thể tăng trưởng nhưng quan điểm của tôi tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp thời điểm này thấp hơn năm 2005", ông Cung nhận xét.

Phương Dung

Cộng đồng kinh tế ASEAN: Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm