Công chức nhỏ gây phiên hà nhũng nhiễu, "sếp" đơn vị gánh trách nhiệm

(Dân trí) - Nghị quyết 19 của Chính phủ vừa ban hành nêu rõ sẽ "xử lý nghiêm cán bộ, công chức và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp"; yêu cầu trước mắt phải tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về tinh thần phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Ngày 28/4, chỉ một ngày trước thềm Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết này, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hành động trước 30/5/2016.

Điều quan trọng là phải tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải quyết liệt trong vấn đề loại bỏ nhũng nhiễu, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải quyết liệt trong vấn đề loại bỏ nhũng nhiễu, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển

Các bộ và địa phương cũng được giao rõ nhiệm vụ khẩn trương hoàn thành việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh; Rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, chấm dứt ngay việc soạn thảo và ban hành điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền. Xây dựng và trình ban hành các Nghị định về điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư 2014.

Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công khai các thủ tục hành chính đã được các Bộ, cơ quan, địa phương chuẩn hóa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia trước 30/6/2016. Hoàn thành việc chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính và niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết trên mạng Internet và tại trụ sở cơ quan, đơn vị.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện nghiêm quy định vể giải trình và giải quyết các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; Đẩy mạnh tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua mạng hoặc dịch vụ bưu điện.

Nghị quyết nêu rõ "xử lý nghiêm cán bộ, công chức và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp".

Theo thông tin được ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra mới đây, hiện tại vẫn còn tới 7.000 điều kiện kinh doanh (giấy phép con) trong đó phân nửa là không còn phù hợp và đang cản trở doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tới 1/7/2016, tất cả những điều kiện kinh doanh từ cấp thông tư trở xuống sẽ vô hiệu lực.

Mặc dù chủ trương của Nhà nước là tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho kinh doanh, sản xuất, tuy nhiên trên thực tế vẫn có những bộ ngành, địa phương phớt lờ Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp mới, liên tục ban hành thêm những giấy phép con làm khó doanh nghiệp. Thậm chí một số vụ việc đơn giản nhưng bị đẩy lên mức hình sự hóa, làm mất niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp về tính an toàn của môi trường kinh doanh.

Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu, các cơ quan đơn vị phải bỏ "quyền anh, quyền tôi", coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, không để tình trạng bắt bẻ, làm khó doanh nghiệp "nay đòi giấy này, mai đòi giấy khác"... Những phát ngôn và hành động đầu tiên của Thủ tướng khi nhậm chức đã thổi một luồng lạc quan đối với doanh nghiệp, người dân về môi trường kinh doanh trong thời gian tới sẽ trở nên thông thoáng hơn trước.

Bích Diệp

Công chức nhỏ gây phiên hà nhũng nhiễu, "sếp" đơn vị gánh trách nhiệm - 2