1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Thông điệp Thủ tướng đã rõ, chỉ chờ thực thi"

(Dân trí) - “Thông điệp đã rõ, chỉ chờ các bộ, ban ngành, các địa phương thực hiện cho tốt. Tôi cho rằng, chẳng cần họp hành, hội nghị, diễn đàn nhiều, cứ tinh thần Thủ tướng mà làm thì sẽ có hiệu quả ngay”.

Đó là chia sẻ của nhiều chuyên gia kinh tế sau Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp ngày 29/4/2016
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp ngày 29/4/2016

Đã có dấu hiệu đột phá về tư duy và cách làm

Theo chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan, cuộc gặp lần này, cái khéo của Chính phủ ở chỗ là đã yêu cầu được nội các của mình tham gia rất đông đủ, các địa phương, các loại hình DN mà không phân biệt DN nào.

“Tôi cho đó là cách tiếp cận bình đẳng. Hội nghị hơn 10.000 DN được trực tiếp nghe, phản ánh, nói và bày tỏ cảm xúc thật là rất tốt. Hội nghị có mặt của phần lớn nội các, có tất cả địa phương như vậy các địa phương đã biết được tinh thần của Chính phủ, sau này những chuyện như thế không ai có quyền nói: tôi chưa biết, chưa rõ nên làm chưa đúng, làm sai”, bà Chi Lan bày tỏ.

Theo các chuyên gia kinh tế, mấu chốt nhất trong cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là: Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, tức là đảm bảo luật pháp phục vụ DN chứ không phải ngáng đường, ăn chặn DN. Đây là cách tiếp cận rất trúng vấn đề và giúp bộ phận DN thở phào.

Chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Invest Consult Nguyễn Trần Bạt cho hay: Phi hình sự hóa là vấn đề hết sức quan trọng của nền kinh tế, hơn 30 năm trước đây chúng ta đã bàn luận vấn đề này rất sôi nổi. Có những lúc chúng ta đã đạt được đến một ngưỡng nào đó... Tuy nhiên, chúng ta không duy trì được điều này.

“Đây là vấn đề quan trọng nhất, khuyết tật lớn nhất và một vấn đề cốt lõi để giải phóng sức sản xuất. Phi hình sự hóa là biểu hiện pháp luật của vấn đề dân chủ trong đời sống kinh tế, bảo vệ tự do kinh doanh, tự do gắn liền với cảm hứng xã hội...", ông nói.

Cũng theo Chủ tịch của Invest Consult, sinh nở của doanh nghiệp chính là biểu hiện tăng dân số của đời sống kinh doanh, vì thế cho nên phi hình sự hóa chính là đảm bảo cho con người yên tâm kinh doanh.

"Kinh doanh là rủi ro nhất, mà những rủi ro này người dân e ngại nhất vẫn là quan hệ hình sự. Mới kinh doanh nên người dân rất dễ sai, dễ đụng chạm... việc phi hình sự hóa các quan hệ kinh tế không khác gì việc tạo mọi điều kiện để chăm sóc trẻ em tốt nhất trong quá trình hình thành các lực lượng sản xuất”, ông Bạt khẳng định.


CGKT Phạm Chi Lan:Thủ tướng đã hứa là phải thực hiện. Ba mặt một lời, không ai chối được

CGKT Phạm Chi Lan:"Thủ tướng đã hứa là phải thực hiện. Ba mặt một lời, không ai chối được"

Bà Chi Lan bình luận: “Một tuyên bố chìa khóa của cuộc họp, được nhấn đi nhấn lại 3 lần, kèm luôn nhấn mạnh vào Bộ Công An, Bộ trưởng Công An đã hứa thì DN hoàn toàn yên tâm. Cái khéo của Thủ tướng là đưa các bộ ngành vào cuộc chứng kiến và hứa, tôi thích cái cách như vậy".

"Đã hứa là phải thực hiện triệt để. Ba mặt một lời không ai chối được. Nguyên nhân là chính sách xuống cơ sở hoàn toàn biến mất và sai lệch. Xuất hiện tình trạng đầu voi - đuôi chuột trong chính sách của Chính phủ, nhiều địa phương không thực hiện, thực hiện nửa vời hình thức”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu quan điểm.

Trong thông điệp của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc gặp gỡ DN, có nhắc đến các yếu tố như: Cắt bỏ giấy phép con, điều kiện kinh doanh trái luật, đặc biệt là yêu cầu các Bộ, ban ngành, địa phương mở diễn đàn tiếp nhận, đối thoại với các ý kiến phản biện của giới chuyên gia, DN và người dân để những tiếng nói xây dựng hoặc có thể trái chiều, giúp chính sách ban hành thực thi có hiệu quả, thực tế.


CGKT Nguyễn Mại:Chính phủ mở diễn đàn cho người dân, DN nêu quan điểm về chính sách là đột phá về tư duy và cách làm

CGKT Nguyễn Mại:"Chính phủ mở diễn đàn cho người dân, DN nêu quan điểm về chính sách là đột phá về tư duy và cách làm"

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho hay: Tôi rất chú ý đến chi tiết Thủ tướng yêu cầu rà soát cắt giảm các giấy phép con, điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền.

"Thủ tướng khẳng định, chỉ có trong Luật và Nghị định, các giấy phép mới có hiệu lực, giá trị. Còn trong Thông tư, các bộ vin vào để đưa ra giấy phép con là không có giá trị. Chính phủ sẽ dẹp hết Thông tư đi thì các giấy phép con sẽ được giảm đi rất nhiều. Số giấy phép con được quy định trong Luật và Nghị định sẽ ít hơn trong Thông tư. Vấn đề đã được tháo gỡ một cách cơ bản ở chỗ đó", ông Nguyễn Mại nêu nhận xét.

Ông Mại cho rằng, việc mở diễn đàn tại Chính phủ, bộ, ngành và địa phương để cho chuyên gia, DN và người dân phản ánh những quan điểm về chính sách, hiện tượng kinh tế cũng là điểm đột phá trong tư duy và cách làm. Tôi hy vọng vấn đề này các Bộ, ngành và địa phương phải đặc biệt coi trọng, tránh đầu voi, đuôi chuột và chỉ mang tính hình thức, chống đối hay làm cho có.

"Cà phê Xin chào, vụ cá chết...là những phép thử cho Chính phủ"

Bình luận sâu hơn về một loạt động thái của Chính phủ mới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói rằng, hiện tượng cá chết ở Vũng Áng và các tỉnh miền Trung, vụ án cà phê Xin Chào là những phép thử của Chính phủ và những điển hình mà dư luận đặc biệt quan tâm .

“Tôi mừng vì nay một sự việc liên quan đến kinh tế tư nhân, hộ gia đình như vụ án Xin Chào đã lấy lại được niềm tin trong kinh doanh. Còn vụ việc cá chết ở Miền Trung, phải nói thẳng đây vẫn là phép thử đối với bộ, ngành và địa phương và cả Chính phủ. Dù Chính phủ chỉ đạo cụ thể, xử lý nghiêm, nhưng đến nay vẫn phản ứng chậm", chuyên gia này nêu ý kiến.

"Có thể người này, người kia đánh giá việc Thủ tướng phải "nhúng tay" vào những công việc cụ thể có mặt này, mặt kia. Nhưng theo tôi, trước mắt, trong lúc này, đây là điều cần thiết để định hình nên tư tưởng mới. Bộ máy từ Bộ, ngành và địa phương vốn quen với tư duy cũ, cách làm cũ, nay muốn đổi mới cần một "mô phạm", hướng dẫn trong tư tưởng và hành động”, bà Lan nhận xét.

Về những khó khăn trong thực thi chính sách, Bà Chi Lan chia sẻ: Việt Nam đang ở trong thời khắc khó khăn nhất của chu kỳ kinh tế, nhưng cũng là giai đoạn dễ tạo bước ngoặt nhất. Nợ công đang đè nặng; ngân sách đang thâm thủng khiến Bộ, ngành, địa phương cứ phải “cấu chỗ nọ, bù chỗ kia”; cách cửa hội nhập mở toang trong khi căn nhà còn trống... Do đó, lúc này cần nhất là sức mạnh của khu vực doanh nghiệp. Đây là nút thắt và chìa khóa giúp Việt Nam ổn định và tăng trưởng.

"Chính phủ đã nhìn ra, đánh giá và nghiêm túc ngồi lại với DN, tôi cho rằng các Bộ, ngành và địa phương phải vào cuộc, không đứng ngoài, không do dự trước thời khắc khó khăn nhất, bước ngoặt lớn nhất của dân tộc", chuyên gia này nói thêm.

Nguyễn Tuyền

"Thông điệp Thủ tướng đã rõ, chỉ chờ thực thi" - 4

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm