Công bố thông tin: 100% "ông lớn" doanh nghiệp Nhà nước “phớt lờ” quy định của Chính phủ
(Dân trí) - Tính đến ngày 31/7/2016, trong số 31 Tập đoàn kinh tế (TĐ), Tổng Công ty (TCT) Nhà nước phải thực hiện công bố thông tin theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp (DN) nào thực hiện đầy đủ các nội dung quy định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - cơ quan được Chính phủ giao trọng trách tập hợp các báo cáo về tình hình thực hiện công bố thông tin theo Nghị định 81 - vừa có báo cáo chi tiết về kết quả sau 9 tháng Nghị định 81 đi vào đời sống.
Cụ thể, báo cáo của Bộ KH&ĐT chỉ rõ những DN trì trệ, cố tình phớt lờ công bố thông tin theo quy định của Chính phủ, trong đó nổi lên là các ông lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), TCT Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), TCT Giấy Việt Nam, TCT Cà phê Việt Nam (Vinacafe), TCT Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1), TCT Sông Đà, TCT Thiết bị y tế Việt Nam...
Bộ KH&ĐT khẳng định: "Đây là những đơn vị chưa thực hiện công bố công khai bất cứ một nội dung nào về công bố thông tin theo quy định".
Theo Bộ KH&ĐT, trong số 31 TĐ, TCT Nhà nước được lệnh công bố, có 2 doanh nghiệp là Tổng công ty Xi măng Việt Nam và Tổng công ty VTC thực hiện công bố báo cáo đúng thời hạn qui định.
Tính đến thời điểm công bố thông tin theo quy định ngày 31/7/2016, Bộ KH&ĐT khẳng định mới có 110/432 DN thực hiện công bố thông tin, trong đó công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD) và đầu tư phát triển (ĐTPT) năm 2016 (thời hạn không muộn hơn 31/3 theo quy định của Nghị định 81) mới có 67/432 DN thực hiện.
Công bố báo cáo đánh giá thực hiện kế hoạch SXKD hàng năm và 3 năm gần nhất tính đến năm báo cáo (thời hạn công bố không muộn hơn ngày 20/6), mới có 35/432 DN thực hiện. Công bố báo cáo kết quả sắp xếp, đổi mới DN trong năm 2015 (thời hạn công bố không muộn hơn ngày 31/3 năm 2016), mới có 57/432 DN thực hiện.
Công bố báo cáo tài chính 2015 (thời hạn không muộn hơn ngày 31/5), mới có 44/432 DN thực hiện. Và công bố báo cáo tiền lương, tiền thưởng 2015 (thời hạn công bố không quá 31/3, mới có 75/432 DN thực hiện.
Theo Cổng thông tin sau 9 tháng kể từ khi Nghị định 81 có hiệu lực, kết quả công bố thông tin DNNN đang cho thấy nhiều DN không công bố theo quy định. Điều này ảnh hưởng đến việc giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của DN. Bên cạnh đó, một trong những nội dung quan trọng công bố thông tin là về tình hình tài chính, cơ cấu và sắp xếp lại DNNN, do đó việc chậm trễ công bố thông tin ảnh hưởng đến kế hoạch tái cơ cấu các Tập đoàn, TCT Nhà nước và các DNNN trực thuộc Bộ, ngành.
Nghị định 81/2015/NĐ-CP được ban hành tháng 9/2015 và chính thức có hiệu lực vào tháng 11/2015. Tại Nghị định này, các DNNN là các tập đoàn, tổng công ty đều phải có trách nhiệm công bố thông tin về kế hoạch sản xuất kinh doanh, tình hình đầu tư phát triển của năm hiện tại hoặc các năm trước đó. Báo cáo tài chính của năm hoạt động hoặc kế hoạch đổi mới sắp xếp theo chủ trương tái cơ cấu, cổ phần hóa...
Về quy định xử phạt, Nghị định nêu rõ, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước áp dụng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo người quản lý doanh nghiệp trong trường hợp vi phạm các quy định như: Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng thời hạn các quy định về công bố thông tin; nội dung công bố thông tin không trung thực theo quy định tại Nghị định
Trong trường hợp người đại diện vốn Nhà nước, Chủ tịch tập đoàn, Tổng công ty không kịp thời đưa ra các ý kiến chỉ đạo, khuyến nghị, giải pháp, dẫn đến tình hình hoạt động của DN lâm vào tình trạng khó khăn, gây thất thoát vốn nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước áp dụng hình thức kỷ luật từ hạ bậc lương đến buộc thôi việc và kiến nghị cơ quan chức năng xử lý hình sự đối với người quản lý DN.
Theo quy định, chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày Nghị định 81 có hiệu lực thi hành, DN có trách nhiệm công bố thông tin bằng văn bản, dữ liệu gửi về Bộ KH&ĐT. Tuy nhiên, đến nay đã vượt 3 tháng quy định, các ông lớn Nhà nước vẫn lờ đi chủ trương, quy định lớn của Chính phủ. Việc đầu tư phát triển, duy trì hoạt động sản xuất mà không công bố thông tin để Chính phủ, người dân giám sát ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, kiểm soát đầu tư và đặc biệt là khả năng sử dụng sai tài sản Nhà nước trong quá trình dài khi các DNNN không chịu áp dụng và thực hiện theo các quy chuẩn của kế toán quốc tế.
Nguyễn Tuyền