Công bố khung giá đất: Thị trường sẽ nóng?

Chỉ còn chưa đầy 48 giờ nữa là mọi giao dịch, chuyển nhượng liên quan đến lĩnh vực nhà đất... phải áp dụng theo bảng giá đất của năm 2007. Hiện giới kinh doanh và người dân đang thấp thỏm chờ chính quyền địa phương công bố mức giá chính thức và nhiều chuyên gia dự báo thị trường sẽ nóng lên.

Giá cao nhất: 54 triệu đồng/m2

Nếu như tại TPHCM giá đất cao nhất là các tuyến đường Lê Lợi, Đồng Khởi và Nguyễn Huệ (quận 1) với mức 43 triệu đồng/m2 được công bố từ ngày 22/12, thì tại nhiều địa phương hiện bảng giá đất vẫn còn nằm trên bàn các lãnh đạo UBND chờ ký.

Theo thông tin của chúng tôi đến chiều 29/12, bảng giá đất TP Hà Nội đã được ban hành với mức giá đất ở cao nhất là 54 triệu đồng/m2 cho 4 tuyến đường: Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Gai và Lê Thái Tổ. Cũng theo quyết định này, khung giá các loại đất cơ bản giữ nguyên như khung giá năm 2006, chỉ điều chỉnh một số mức giá đối với đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.

Đặc biệt, có 29 tuyến đường được điều chỉnh tăng giá cho phù hợp với thực tế. Có 3 xã ngoại thành thay đổi về khung giá đất ở, trong đó xã Yên Mỹ - Thanh Trì hiện có mức giá tương đương với xã đồng bằng phải điều chỉnh giảm giá với mức xã giáp ranh. Riêng, giá đất nông nghiệp được giữ nguyên theo mức tối đa trong khung giá Chính phủ quy định.

Tăng giá theo tốc độ phát triển hạ tầng

Thực tế từ đầu tháng 12/2006, giá đất đã được các địa phương đem ra bàn cãi rất sôi nổi vì giá đất tăng hay giảm không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu cho ngân sách thông qua việc thu tiền sử dụng đất, thuế trước bạ... mà còn tác động lớn đến sản xuất và thu hút đầu tư.

Tại Bình Dương, phương án điều chỉnh giá đất cho năm tới đã chính thức được HĐND tỉnh thông qua với chiều hướng tăng mạnh. Trong đó, giá đất ở tăng 66% so với năm trước và đạt 75% so với mức tối đa của khung giá Chính phủ quy định cho đô thị loại IV.

Hiện tuyến đường cao nhất là đại lộ Bình Dương chạy dọc qua thị xã Thủ Dầu Một, với mức 6 triệu đồng/m2. Riêng giá đất nông nghiệp, lâm nghiệp... tăng 66% so với trước.

Theo Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh, trong 2 năm 2005 và 2006, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tăng cao, tuy nhiên giá các loại đất vẫn giữ nguyên để thu hút đầu tư.

Dự kiến năm 2007, thị xã Thủ Dầu Một sẽ được Trung ương công nhận là đô thị loại III, nên việc điều chỉnh giá đất tăng lên một bước là phù hợp và cần thiết. Tại TP Đà Nẵng, giá đất các tuyến đường như Hùng Vương, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh vẫn giữ nguyên mức cao nhất là 14,4 triệu đồng/m2.

Giảm giá cho phù hợp thực tế

Trong khi một số tỉnh khác như Tây Ninh, Quảng Ngãi... cho nhích giá lên thêm một ít để phù hợp với giá đất thị trường, thì một số địa phương lại... giảm giá!

Theo tờ trình của UBND tỉnh vừa được HĐND tỉnh Phú Yên thông qua mới đây, giá đất năm 2007 tại một số tuyến đường, khu dân cư ở TP Tuy Hòa giảm 8%-20% so với giá đất đã áp dụng trong năm 2006.

Cụ thể, giá đất mặt tiền đường Lý Thường Kiệt là 1,3 triệu đồng/m2, giảm 19%. Giá đất dọc tuyến đường Hùng Vương- đoạn từ đường số 14 đến Quốc lộ 1A- sau khi điều chỉnh giảm 20% chỉ còn ở mức 1,2 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, giá đất ở khu dân cư đường Hùng Vương sau khi được điều chỉnh giảm chỉ còn dao động ở mức 550.000- 800.000 đồng/m2 tùy theo chiều rộng lộ giới các tuyến đường nội bộ. Sở dĩ có sự điều chỉnh giảm thấp giá đất này, theo cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên, là do bảng giá đất năm 2006 đã xác định không phù hợp.

Theo Kim Long - Hương Trầm
Báo Người lao động