1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Công bố các cam kết gia nhập WTO

Ngày 2/11, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thông báo nội dung của phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10. Cũng tại buổi làm việc này đại diện Bộ Thương mại đã công bố một số cam kết của Việt Nam khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO.

Ông Trần Quốc Khánh, Phó trưởng đoàn đàm phán về việc Việt Nam gia nhập WTO cho biết, trong bộ văn kiện về Việt Nam gia nhập WTO sẽ được chính thức thông qua đầu tháng 11 tới, trong 529 đoạn văn của văn kiện, đã nêu khoảng 80 cam kết của Việt Nam khi đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức này (30 ngày sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn).

Về trợ cấp phi nông nghiệp, Việt Nam đã đồng ý bãi bỏ hoàn hoàn các trợ cấp về xuất khẩu và các dạng trợ cấp, ưu đãi nội địa hóa chỉ trừ các dự án đã được ưu đãi trước khi Việt Nam đã thành viên của WTO thì có thời hạn chuyển đổi là 5 năm. Sau 5 năm đó, các dự án này cũng phải bãi bỏ hoàn toàn ưu đãi, trợ cấp.

Phía Việt Nam cũng đồng ý bãi bỏ hoàn toàn việc việc trợ cấp xuất khẩu nông sản. Chỉ có một số hình thức trợ cấp dưới dạng khuyến nông được duy trì nhưng không quá 10% giá trị tổng sản lượng nông nghiệp.

Cũng theo ông Khánh, Việt Nam cũng đã cam kết xóa bỏ phân biệt đối xử về quyền kinh doanh xuất khẩu hàng hóa giữa các doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài với các cá nhân, doanh nghiệp có 100% vốn trong nước về các sản phẩm hàng hóa trừ thuốc lá, xì gà, xăng dầu, báo và tạp chí...

Một số mặt hàng mà chỉ doanh nghiệp Nhà nước được quyền xuất khẩu sẽ bị hạn chế thực hiện vào thời điểm nhất định như gạo (doanh nghiệp Nhà nước chỉ độc quyền xuất khẩu đến năm 2009), dược phẩm (năm 2011). Mặt hàng dược phẩm thì doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài được quyền nhập khẩu vào Việt Nam nhưng không được quyền phân phối.

Về các mặt hàng rượu, bia, WTO cho Việt Nam 3 năm để điều chỉnh lại thuế tiêu thụ đặc biệt đối với 2 mặt hàng nhạy cảm này.

Ông Khánh cho biết, bắt đầu từ ngày 1/1/2009, Việt Nam sẽ chính thức mở cửa thị trường ôtô, xe máy, đây cũng chính là thời điểm mở cửa cho lĩnh vực phân phối, theo đó các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sẽ được phép thành lập để phân phối các sản phẩm ôtô, xe máy tại thị trường Việt Nam.

Mặt hàng xe máy phân khối lớn thì đến 31/7/2007, Việt Nam sẽ cho phép nhập khẩu xe trên 175 phân khối, tuy nhiên Việt Nam được phép quy định về tuổi lái xe phân khối lớn từ 30-35 tuổi trở lên và có quyền quy định cụ thể về điều kiện được giấy phép lái xe cho loại xe này.

Các mặt hàng thuốc lá điếu và xì gà phải bỏ hạn chế nhập khẩu từ khi Việt Nam là thành viên chính thức của WTO và chỉ các doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam mới được quyền nhập khẩu.

Cũng theo ông Trần Quốc Khánh, Việt Nam được bảo lưu duy trì hạn ngạch thuế quan đối với 4 sản phẩm: đường, trứng gia cầm, thuốc lá, muối... Việt Nam sẽ đưa ra mức hạn ngạch: khi nhập khẩu các mặt hàng này với số lượng thấp thì áp mức thuế thấp, nếu cao hơn số lượng đó, Việt Nam sẽ áp mức thuế cao hơn.

Trong lĩnh vực mở cửa thị trường dịch vụ, theo ông Khánh, về cơ bản, Việt Nam đã giữ được mức cam kết như với Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ (BTA) về các dịch vụ: viễn thông, ngân hàng, chứng khoán, phân phối hàng hóa...

Trong đó, riêng lĩnh vực phân phối hàng hóa, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường hoàn toàn vào 1/1/2009 (muộn hơn 19 ngày so với BTA) trừ các mặt hàng sau vẫn chưa mở cửa: xăng dầu, dược phẩm, sách báo, tạp chí, thuốc lá, gạo, đường ăn, kim loại quý.

Việc phân phối các mặt hàng sắt thép, xi măng... đến năm 2009 mới mở cửa thị trường.

Theo Mạnh Quân
Báo Thanh niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm