Công bố 60 doanh nhân tiêu biểu 2022: Tiêu chí đạo đức là hàng đầu

Quỳnh Ngọc

(Dân trí) - Nêu lý do vì sao tiêu chí đạo đức doanh nhân được đề cao, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho biết trước đây doanh nhân được gọi là con buôn, gần đây xảy ra vấn đề không liêm chính...

Sáng nay (6/10), VCCI đã tổ chức họp báo công bố bình xét "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022".

Qua 211 đề cử, Hội đồng bình xét đã lựa chọn được 60 doanh nhân tiêu biểu, trong đó vinh danh 10 doanh nhân tiêu biểu nhất. Trong số 60 doanh nhân tiêu biểu lần này, người lớn tuổi nhất là 82 tuổi và trẻ nhất là 34 tuổi, có 15% doanh nhân nữ, chiếm 25%.

Công bố 60 doanh nhân tiêu biểu 2022: Tiêu chí đạo đức là hàng đầu - 1

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI - thông tin về chương trình bình chọn "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022" với nhiều điểm mới so với mọi năm (Ảnh: QN).

Theo VCCI, năm nay hội đồng bình chọn đề cao đến tiêu chí đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh. Đây cũng là năm đầu tiên tiêu chí đạo đức doanh nhân, tuân thủ pháp luật và trách nhiệm xã hội trở thành yêu cầu hàng đầu trong việc xem xét, bình chọn.

Nêu lý do vì sao tiêu chí đạo đức doanh nhân được đề cao trong lần bình chọn năm nay, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI - cho biết, trước đây doanh nhân thường bị gọi là "con buôn" và gần đây xảy ra những vấn đề không liêm chính của một số doanh nhân. Trong hội nhập, chúng ta cũng nhìn thấy tại sao hàng hóa của Mỹ, Nhật, Đức… luôn chiếm được niềm tin của khách hàng, có giá cả cao hơn, cạnh tranh hơn.

Do đó, ông Công cho rằng, để tạo dựng niềm tin, gia tăng sức cạnh tranh, việc xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp rất quan trọng, trong đó, cốt lõi là văn hóa doanh nhân. Việc xây dựng văn hóa kinh doanh phải bắt nguồn từ xây dựng con người doanh nhân, trong đó đạo đức là nền tảng.

Thông tin về quy trình bình chọn doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm nay, ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng bình xét, cho biết, quy trình bình xét năm nay được tổ chức chặt chẽ, công phu thông qua 5 bước và 2 vòng bình xét sơ tuyển và chung tuyển, đồng thời có thêm việc thẩm định thực tế.

Chất lượng hồ sơ cũng cao hơn các kỳ trước, phần lớn đều có hồ sơ kiểm toán đi kèm, thể hiện tính minh bạch và quản trị ngày càng chuyên nghiệp hơn. Việc thẩm định đánh giá hồ sơ có sự tham gia của các chuyên gia từ hãng kiểm toán Deloitte.

"Chúng tôi nhấn mạnh đến tính chính xác, minh bạch, thái độ với người lao động cũng như tính tuân thủ pháp luật trong vận hành doanh nghiệp của doanh nhân", ông Phòng chia sẻ thêm về quá trình bình xét.

Theo ông Phòng, trong thời gian qua cũng có những vấn đề về liêm chính của doanh nhân, nhưng ông cho rằng đó chỉ là hiện tượng đơn lẻ, không phải đại diện cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam.

Thông tin thêm về các doanh nhân được vinh danh năm nay, Chủ tịch VCCI cho biết, phần lớn doanh nhân trong TOP 10 doanh nhân tiêu biểu xuất sắc đang quản lý, điều hành các doanh nghiệp sản xuất, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước đầu ngành. Các doanh nhân tiêu biểu được tôn vinh năm nay là những gương mặt xuất sắc đại diện cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; là những doanh nhân có đức có tài, có năng lực quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh xuất sắc, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, chăm lo tốt người lao động…

Nói về định lượng đối với tiêu chí đạo đức, ông Công cho rằng, chấm doanh nhân là chấm con người, mà ở đây lại là đạo đức thì rất khó. Do đó, đánh giá về đạo đức, hội đồng bình chọn đã có bộ câu hỏi để phỏng vấn trực tiếp và kê khai trong hồ sơ và có sự đối chiếu từ các bên liên quan như cục thuế, bảo hiểm xã hội, các hiệp hội…

"Bộ tiêu chí này vẫn đang được hoàn thiện và càng ngày càng được chi tiết hóa", ông Công cho biết thêm.

Danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" là hoạt động tôn vinh doanh nhân do VCCI tổ chức theo nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao trong Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.