1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Công an vào cuộc vụ "lùm xùm" kho hàng hiệu rởm lớn nhất miền Bắc

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Lực lượng quản lý thị trường đã từng phải dùng tới hàng chục xe 3,5 tấn mới di chuyển hết số hàng vi phạm tại kho hàng hiệu rởm lớn nhất miền Bắc này. Đến nay, chủ của kho hàng vẫn "biệt vô âm tín".

Theo thông tin từ  Tổng cục quản lý thị trường, Cục quản lý thị trường Nam Định vừa có quyết định chuyển hồ sơ vụ việc kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu có dấu hiệu vi phạm hình sự đối với kho hàng tại thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định sang Công an tỉnh Nam Định để tiếp tục điều tra, xử lý.

Trước đó, ngày 17/3/2021, Cục quản lý thị trường Nam Định đã phối hợp với một số đơn vị chức năng thuộc Công an tỉnh đột xuất kiểm tra kho hàng nêu trên.

Kết quả khám, Đoàn kiểm tra phát hiện tại hiện trường có 13.726 cái túi xách, ví các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của Hermes, Gucci, LV, Dior... đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Lô hàng có tổng giá trị hàng hóa vi phạm trên 3,9 tỷ đồng.

Công an vào cuộc vụ lùm xùm kho hàng hiệu rởm lớn nhất miền Bắc - 1

Lực lượng quản lý thị trường đã phải dùng tới 10 xe 3,5 tấn mới di chuyển hết số hàng vi phạm tại kho hàng này. Vài chục nghìn sản phẩm nhái thương hiệu Hermès đã bị thu giữ.
 

Tại thời điểm kiểm tra, ông Đ.V.C - người trực tiếp trông coi kho hàng - không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của toàn bộ số hàng hóa. Lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ toàn bộ sản phẩm để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Qua 5 lần làm việc với lực lượng chức năng, ông Đ.V.C cho biết ông đã cho thuê kho và nhận làm bảo vệ qua giới thiệu. Việc thuê kho và bảo vệ không có hợp đồng mà chỉ giao dịch, trao đổi bằng miệng và không biết tên, tuổi, địa chỉ của chủ hàng.

Hàng hóa trong kho được vận chuyển về bằng xe tải, có người đi theo xe bốc xếp và quản lý hàng hóa. "Tôi nhận hàng theo số lượng chuyển về và khi hàng xuất từ kho đi có một số xe tải đến nhận và chở đi, tôi không biết số lượng cụ thể. Chủ hàng thuê 4 người làm công việc đóng gói sản phẩm và kiểm soát hàng nhập kho và xuất", ông Đ.V.C khai nhận.

Để xác minh nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm bị thu giữ tại hiện trường, Cục quản lý thị trường Nam Định đã chỉ đạo Đội quản lý thị trường số 2 gửi văn bản đến 4 đơn vị: Công ty Luật TNHH Thắng Phạm và Cộng sự, Công ty Luật TNHH quốc tế BMVN, Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ S&O, công ty Luật TNHH VINA.IP là đại diện chủ thể quyền của các hãng Hermes, Gucci, LV, Yves Saint Laurent, Dior đề nghị kiểm định và xác nhận hàng thật, hàng giả.

Kết quả của 4 công ty cho thấy, toàn bộ số hàng hóa bị thu giữ tại hiện trường đều là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

 Căn cứ vào hồ sơ vụ việc, văn bản xác nhận của các đơn vị đại diện của các chủ thể quyền, biên bản họp của Hội đồng định giá, Cục quản lý thị trường Nam Định xác định số hàng hóa trên vi phạm "tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ" theo quy định tại Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ năm 2015; Điều 12 Nghị định số 99/2013/Đ-CP.

Để đảm bảo việc xử lý vụ việc một cách triệt để, đúng quy định pháp luật, đồng thời căn cứ sự chỉ đạo của Tổng cục quản lý thị trường về việc chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự, Cục quản lý thị trường Nam Định đã có công văn chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc và tang vật vi phạm để Công an tỉnh Nam Định xử lý theo quy định của pháp luật.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm