Coi chừng xăng dỏm

Xăng dỏm, pha chế theo “công thức” xăng A92 với methanol, được bán ở một số cây xăng tự phát, “cây xăng cục gạch” làm ăn gian dối. Theo các chuyên gia, xăng dỏm rất độc cho sức khỏe và môi trường, làm động cơ xe mau hỏng.

Chỉ cần vài thao tác đơn giản, xăng A92 đã bị pha chế với methanol giúp những người bán xăng lời thêm 4.000-6.000 đồng/lít. Loại xăng dỏm này đang được tiêu thụ khá nhiều tại TP.HCM mà bất kỳ ai đổ xăng lẻ đều có thể sập bẫy.
 
Coi chừng xăng dỏm - 1
Người pha chế xăng dỏm hoạt động công khai tại một cây xăng ở hương lộ 80, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM
 
Hóa chất được pha vào xăng A92 là methanol (CH3OH) với hàm lượng 20-30%. Ông Hùng - người có mười năm trong nghề bỏ mối xăng lẻ, dầu nhớt các loại, ngụ đường Tân Quý, P.Tân Quý, Q.Tân Phú - lý giải do thời gian gần đây dư luận xôn xao việc bán xăng dỏm A83 thay vì xăng A92, ngay lập tức những tay bỏ mối cho các điểm bán xăng lẻ, các trụ xăng “bơm tay” đã dùng hóa chất để đối phó cho hợp xu thế.
 
“Bỏ mối xăng A83 bán giá A92 cũng không lời bao nhiêu, dùng hàng độn lời hơn nhiều” - ông Hùng thừa nhận.
 
Công khai pha chế
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dân bỏ mối xăng thường chọn những cây xăng lớn hoặc những cây xăng mới mở, ở vị trí thuận lợi để pha và vận chuyển đến các “mối”.
 
Theo đó, trong mỗi can loại 30 lít trước khi mang đến cây xăng này đã được dân bỏ mối xăng rót sẵn 5-7 lít “dung môi sơn PU” (cách gọi methanol của dân pha xăng giả - PV). Chỉ cần cầm vòi ở cửa hàng xăng bơm vào coi như xăng đã được pha.
 
Ông Sinh - chủ cửa hàng hóa chất tổng hợp Quang Sinh trên đường Võ Văn Vân, xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh - cho biết: “Người ta xài dung môi sơn PU ở chỗ tui nhiều lắm, toàn dân đi bỏ xăng lẻ, họ lấy mỗi lần mấy can chứ không ít”.
 
Ông Sinh cho biết mới có người chuyên bỏ mối xăng lẻ đến lấy chỗ ông bốn can (mỗi can 30 lít, giá 310.000 đồng/can). “Các mối pha chế xăng rất nhiều, họ chỉ cần gọi điện, hàng sẽ được giao tận nơi” - ông Sinh khẳng định.
 
Coi chừng xăng dỏm - 2
Coi chừng xăng dỏm - 3
Quy trình chiết hóa chất ra các bình, pha xăng vào bình đã có hóa chất tại cây xăng Comeco chi nhánh số 29 rồi mang đi tiêu thụ tại các trụ bơm tự chế bán xăng lẻ trên đường Quách Điêu (xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, TP.HCM) của các đầu nậu bỏ mối xăng lẻ
 
Theo chân những người mua methanol, chúng tôi phát hiện chiêu thức pha chế và tiêu thụ xăng giả đang được các đầu nậu bỏ mối ở các điểm bán xăng lẻ sử dụng phổ biến hiện nay. Gần một tháng nay, cây xăng Comeco tại chi nhánh xăng dầu số 29 ở hương lộ 80 (P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân) trở thành điểm tập kết, ra vào thường xuyên của dân bỏ mối xăng giả.
 
Lúc 9g50 ngày 7/12, đầu mối tên Báu xuất hiện trên chiếc xe gắn máy chở lỉnh kỉnh các can, mỗi can chỉ khoảng 7 lít dung dịch sóng sánh màu xanh lờ nhờ vào cầm vòi bơm lần lượt cho bảy can. Bơm chưa dứt thì ngay lúc đó ông Định (cùng quê Thái Bình với ông Báu) cũng chở gần chục can đến bơm xăng. Lần lượt 10g15 rồi 10g30..., nhiều dân bỏ mối xăng dỏm khác tấp vào cây xăng với một can nhựa chứa sẵn methanol, pha đều ra các can khác và bơm xăng. 10g30, ông Quỳnh - một đầu nậu bỏ mối xăng lẻ có tiếng ở Bình Chánh - chạy xe gắn máy tấp vào góc trong của trụ xăng, thản nhiên cầm một can màu xanh chiết đều ra các can còn lại, sau đó tự cầm vòi bơm xăng vào các can.
 
Đi theo những đầu nậu bỏ mối xăng từ cây xăng này, chúng tôi phát hiện địa chỉ tập kết của xăng dỏm là hàng chục tuyến đường, con hẻm thuộc địa bàn Bình Chánh và Hóc Môn với dày đặc trụ bơm tay xăng tự chế, “cây xăng cục gạch”... Cụ thể như các đường Võ Văn Vân, Quách Điêu, hương lộ 80, Nữ Dân Công... trung bình khoảng 200m lại có một trụ bơm xăng lẻ kiểu tự chế. Trên các trụ tự chế này đều có dùng chữ xăng A92 nhưng thực tế xăng đã bị trộn methanol.
 
Thu lợi lớn
 
Trưa 7/12, từ cây xăng Comeco tại chi nhánh xăng dầu số 29, chúng tôi theo ông Quỳnh - một người vừa mua xăng để pha với methanol - đến tiệm tạp hóa của bà Thanh (ấp Đông Lân, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn) bỏ xăng. Bà Thanh cho biết đã nhận xăng của ông Quỳnh bán một năm nay và là “mối” nên giá chỉ 20.300 đồng/lít, trong khi giá xăng A92 hiện tại là 20.800 đồng/lít. Khi hỏi bà có biết xăng giá rẻ này người bỏ mối lấy ở đâu không thì bà lắc đầu “không cần biết”.
 
Chủ các điểm bán xăng lẻ khác nói: “Họ pha xăng máy bay nên mới có giá đó” hoặc: “Có thể họ là mối quen của các cây xăng lớn nên được chiết khấu như vậy”. Ham rẻ, những người nhận mối xăng có thể biết hoặc không biết phần lợi mà họ thu được từ loại xăng dỏm này chỉ bằng một góc mà người bỏ mối cho họ thu được. Mỗi lít xăng pha chế với methanol, sau khi trừ chi phí 4.000-5.000 đồng, có thể lời đến 6.000 đồng/lít. Mỗi ngày, dân bỏ mối như ông Quỳnh giao trên 300 lít xăng có thể đút túi hơn 1 triệu đồng chỉ sau một vài giờ giao hàng.
 
Do sử dụng với số lượng khá lớn nên nguồn hóa chất methanol được các tay bỏ mối xăng lẻ mua về và trữ rất nhiều. Ngày 9-12, chúng tôi có mặt tại nhà của đầu mối tên Định (tổ 15, ấp 3, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh). Trước nền sân nhà có gần 50 can đựng hóa chất, mùi hôi thoang thoảng từ methanol bốc lên. Vợ ông Định cho hay mới nhập về 11 triệu đồng hóa chất (tương đương 1.000 lít).
 
Hệ thống “chân rết” pha xăng của ông Định có gần mười người, bạn hàng chủ yếu là hàng trăm tiệm tạp hóa, các điểm bán xăng lẻ trong TP. Có mối cho biết đã nhận hàng của ông Định hơn một năm nay nhưng chưa hề biết nhà ông ở đâu, ông chỉ liên hệ và mang trụ bơm đến “bao ráp”, bao sửa chữa trụ bơm và hữu nghị cho gối đầu trước vài can (mỗi can 30 lít) để bán.
 
Không chỉ cây xăng Comeco chi nhánh số 29, nhiều cây xăng khác cũng trở thành điểm ưu tiên vào “pha” của các tay này. Chi phối lực lượng hùng hậu chuyên đến các cây xăng mua xăng rồi pha chế, bỏ mối là ông Đà (bạn thân với ông Định), một trong những người khởi xướng làm ăn bằng phương pháp này. Ông Đà là người trung gian đứng ra buôn bán hóa chất cho các “đồng nghiệp” cùng quê Thái Bình với ông pha chế xăng rồi bỏ mối.
 
Không chỉ tập trung ở các địa bàn như Hóc Môn, Bình Chánh, Q.12..., nhiều nơi khác ở TP.HCM như quận 8, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú... đang xuất hiện loại xăng dỏm này.
 
Tuy nhiên, các đối tượng pha xăng bỏ mối thường xuyên thay đổi cây xăng và liên kết với nhau trong việc phân chia địa bàn cũng như mua sỉ lẻ hóa chất, phụ gia. Ông Hưng, người bỏ mối xăng pha hóa chất vừa giải nghệ (ngụ đường Nữ Dân Công, H.Bình Chánh), cho biết: “Đã cung cấp xăng dỏm thì phải luôn cảnh giác, sẵn sàng hủy mối khi có dấu hiệu bị phát hiện”. Theo ông Hưng, bởi chính lợi nhuận rất lớn từ xăng dỏm nên nhiều người sẵn sàng bỏ ra 100 triệu đồng để sang lại mối bỏ mười can/ngày. Vì chỉ vài tháng là đủ gỡ vốn và sau đó mặc sức thu tiền.
 
Phá động cơ, hủy hoại môi trường
 
TS Nguyễn Hữu Lương - Trung tâm nghiên cứu và phát triển chế biến dầu khí thuộc Viện Dầu khí VN, đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN - cho biết methanol là chất độc hại, hơi của methanol tiếp xúc với mắt có thể gây mù. Chất này thường được dùng để làm dung môi trong công nghiệp. Do methanol giá rẻ (khoảng 10.000 đồng/lít), có khối lượng riêng gần bằng xăng nên có thể pha trộn khá dễ dàng. Hiện một số quốc gia có đưa methanol vào xăng nhưng với nồng độ rất nhỏ (chỉ 1/100 đến 1/1.000) và theo quy trình rất nghiêm ngặt, có giám sát của cơ quan chức năng nhằm tăng tính kích nổ, hiệu suất cao cho động cơ. Còn pha chế methanol vào xăng A92 ở nồng độ rất cao từ 20-30% là rất nguy hiểm cho sức khỏe con người và ăn mòn, phá hoại, làm hư hỏng động cơ xe gắn máy rất nhanh. Đồng thời, việc sử dụng xăng trên còn rất nguy hại cho môi trường vì các chất độc hại trong khí xe (CO, CO2...) thải ra ngoài lượng methanol dư thừa khá cao.
 
Theo GS.TS Lê Huy Bá - viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, để biết xăng có pha methanol hay không, người bình thường có thể nhận biết bằng mùi (nồng, hắc) hay màu sắc (không được trong) của xăng, tiếng nổ của động cơ hoặc có thể pha vào nước để biết những khác biệt (hoặc bất thường) so với loại xăng đúng chất lượng.
 
Dắt bộ vì xăng dỏm
 
Không ít người đổ xăng lẻ ở các cây xăng có trụ bơm tự chế, cây xăng “cục gạch” ven đường đã sập bẫy xăng dỏm. Cách đây hai tuần, bạn đọc Trần Phương Thùy (ngụ đường Quách Điêu, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh) sau khi đổ xăng ở trụ bơm tay trên đường về nhà thì xe máy nổ lụp bụp, tắt máy liên tục. Về nhà, chị đổ xăng ra mới hay xăng dỏm vì mùi cực kỳ hắc và đục hơn so với xăng A92 mua tại cây xăng lớn. Chị cho biết nhiều người đi đường lỡ đổ phải xăng này thì tiếng nổ động cơ xe không giòn và êm như xăng thật, hay bị tắt máy giữa đường nên phải rút xăng ra.
 
Bạn đọc Nguyễn Đức Khánh (ngụ đường Lê Văn Khương, Q.12) kể vài lần ông đi làm bằng xe máy từ nhà đến Q.Phú Nhuận thì xe hết xăng giữa đường. Ông dắt xe vào các điểm bán xăng lẻ lề đường Quang Trung, Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp), Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận)... đổ xăng thì chạy chưa hết xăng là bình xăng con dở chứng. Ông Khánh nói: “Mấy lần thợ sửa xe đều khẳng định là do xăng dỏm pha methanol nên tui nhờ người có kinh nghiệm bày cách thử”. Ông mua xăng ở vài trụ bơm tay đem về pha nước và so sánh với mẫu xăng mua ở các cây xăng lớn thì có sự khác biệt rõ rệt. Theo đó, mẫu xăng ở các trụ bơm tự chế chia thành hai lớp rõ rệt, lớp dưới là một dung dịch có màu đỏ tươi và khi sờ vào thì hơi nóng.
 
Theo Ngọc Khải - Khương Văn
Tuổi Trẻ