1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Coca Cola "né" thuế: Doanh nghiệp FDI chỉ lỗ, có cần cho nền kinh tế Việt Nam?

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định, doanh nghiệp FDI liên tiếp báo lỗ trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng ngay đến uy tín môi trường đầu tư Việt Nam. Liệu những doanh nghiệp FDI thua lỗ như Coca Cola có cần thiết cho nền kinh tế Việt Nam?

 Ảnh hưởng ngay đến uy tín môi trường đầu tư Việt nam 

Như Dân Việt đã thông tin, việc Tổng cục Thuế giữ nguyên quyết định phạt Coca Cola Việt Nam 821 tỷ đồng tiền thuế mới đây một lần nữa gây nên sự phẫn nộ của dư luận trong nước.

Nhiều người tiêu dùng trong nước đã bày tỏ thái độ sẽ tẩy chay sản phẩm nước uống Coca Cola vì sự việc trên. Nhiều nhóm "Tẩy Chay Coca Cola Vì Hành Vi Trốn Thuế Nhiều Năm Qua" trên mạng xã hội được thành lập từ lâu và ngày càng có nhiều thành viên tham gia.

Việc truy thu thuế đối với Coca Cola Việt Nam được dư luận quan tâm từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 khi Tổng cục Thuế có quyết định chính thức. Dù hoạt động tại Việt Nam từ lâu, nhưng Coca Cola thường xuyên báo lỗ trong một giai đoạn dài nhưng vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng đặt ra nhiều dấu hỏi lớn.

Về phía Coca Cola, doanh nghiệp này cho rằng, công ty tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, còn thua lỗ là do các nguyên nhân khách quan.

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong quá trình phát triển, Việt Nam đang kêu gọi nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài với nhiều ưu đãi về thuế, đất.. Do vậy, bất kể ngành nghề nào, quy mô đến đâu, nếu có thiện chí đến với Việt Nam thì đất nước đều chào đón.

Tuy nhiên, xét về phương diện trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, đã đến lúc chúng ta phải có sự lựa chọn những nguồn vốn FDI khi đăng ký vào Việt Nam. Có nghĩa là cần chú ý đến ngành nghề, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước cũng như đối tác. 

Coca Cola né thuế: Doanh nghiệp FDI chỉ lỗ, có cần cho nền kinh tế Việt Nam? - 1

Coca Cola bị phạt và truy thu 821 tỷ đồng tiền thuế.

Quay trở lại câu chuyện Coca Cola liên tiếp báo lỗ trong một thời gian dài, phải lưu ý rằng: Doanh nghiệp đầu tư mà cứ thua lỗ như thế sẽ ảnh hưởng ngay đến uy tín môi trường đầu tư Việt nam.

"Các nhà đầu tư khác thấy rằng, có những ông vào Việt Nam bao nhiêu năm nay, ví như Coca Cola "kiên trì" lỗ trong suốt 20 năm thì đầu tư làm cái gì? Vô lý hơn, dù mặc dù lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn mở rộng sản xuất, tăng doanh thu đều đặn", ông Thịnh đặt vấn đề. 

Trong khi đó, doanh nghiệp FDI ngoài việc cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm cho người dân, đóng góp ngân sách địa phương, Nhà nước còn tạo liên kết, tính lan tỏa đến những công ty trong nước. 

"Nếu doanh nghiệp FDI đầu tư vào mà liên tiếp thua lỗ thì thiệt thòi cho họ, vừa thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, vừa mang tiếng cho chúng ta. Thế nên, chúng ta nên mời họ về nước hoặc đi chỗ khác để nhường đất, nhường chế độ ưu đãi cho công ty khác" ông Thịnh nhấn mạnh.

Không hoan nghênh doanh nghiệp chỉ có lỗ như Coca Cola

Tương tự, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, về nguyên tắc doanh nghiệp đang cần những doanh nghiệp FDI đầu tư vào, tuy nhiên đơn vị nào chỉ có lỗ mà không có lãi, không đóng góp được nhiều cho ngân sách nhà nước thì chúng ta không hoan nghênh.

Trong trường hợp của Coca Cola, Tổng cục thuế cũng đã có kết quả điều tra cùng với xử phạt đi kèm. Đây là những hành động rất có tiến bộ và hoan nghênh của ngành Thuế Việt Nam. Dù cho bên Coca Cola đang khiếu nại và không hài lòng với quyết định của ngành Thuế.

"Coca Cola là trùm chuyển giá, một trong những biểu tượng chuyển giá ở Việt Nam", ông Phong nói.

Để hạn chế tình trạng này, Việt Nam cần xác định lại hệ thống luật pháp để tránh kẽ hở, lạm dụng ưu đãi. Đồng thời tăng hệ thống thông tin, hệ thống so sánh đối chiếu kiểm chứng để buộc các doanh nghiệp không được hai số liệu.

Ngoài ra, cần nâng cao năng lực công nghệ cũng như trách nhiệm và phần thưởng của những người tham gia để chống được chuyển giá.

Coca Cola né thuế: Doanh nghiệp FDI chỉ lỗ, có cần cho nền kinh tế Việt Nam? - 2

Coca Cola là trùm chuyển giá, một trong những biểu tượng chuyển giá ở Việt Nam

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương Lê Đăng Doanh cho rằng, DN lỗ một vài năm đã khó duy trì hoạt động, trong khi có quá nhiều DN FDI báo lỗ liên tục mà vẫn mở rộng kinh doanh. 

Theo ông Doanh, tình trạng chuyển giá diễn ra rất phức tạp, tinh vi. Cơ quan có thẩm quyền cần có cơ chế giám sát, chống chuyển giá và làm rõ một vài DN lớn thường xuyên báo lỗ, từ đó xác định lỗ thật hay lỗ giả.

"Chúng ta cần có đội ngũ giám sát chuyên sâu, dày dạn kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, hợp tác với các tổ chức kiểm toán độc lập để chứng minh được việc chuyển giá và có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, nên xem xét lại các ưu đãi cho DN FDI phù hợp hơn, tránh tình trạng các DN lợi dụng chính sách để thực hiện hành vi chuyển giá, trốn thuế", ông Doanh nêu quan điểm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm