1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Có tính đến thả nổi đồng Việt Nam?

Tin Trung Quốc bước đầu phá giá đồng Nhân dân tệ khiến không ít người nghĩ đến một đồng Việt Nam thả nổi trong tương lai? "Việt Nam có những lựa chọn và đặc trưng khác với Trung Quốc, nhưng không được coi thường việc điều chỉnh giá của đồng tệ". Ông Trương Văn Phước - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - đã nói như vậy.

Ông thấy gì đằng sau sự lên giá của đồng Nhân dân tệ?

Nhân dân tệ tăng lên khoảng 2% là tỷ lệ không lớn. Các đồng tiền khác như Yên, Euro... qua một đêm còn lên xuống đến 5% là chuyện bình thường. 2% không phải lớn với sự biến động của một đồng tiền và chưa tác động nhiều đến khả năng xuất nhập khẩu cũng như thanh toán của Trung Quốc.

Nhưng với Việt Nam?

Cơ cấu thanh toán của đồng Nhân dân tệ trong nền kinh tế Việt Nam chưa nhiều. Với chúng ta, đồng tiền này chưa phải là ngoại tệ mạnh tự do chuyển đổi.

Đồng Nhân dân tệ đổi giá không ảnh hưởng nhiều đến thương mại 2 chiều Việt Nam và Trung Quốc. 2% có nghĩa là 300 đồng Việt Nam trên 1 USD (300 đồng/USD) chứ bao nhiêu! Tỷ lệ này không phải tác động lớn đến xuất nhập khẩu của Việt Nam, đứng về phương diện tỷ giá hối đoái mà nói.

Nhưng quan hệ thương mại Việt Nam và Trung Quốc đang ngày càng tăng. Trung Quốc đang chiếm đến 15% kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam?

Ngay cả khi đồng Nhân dân tệ tăng giá với biên độ nhỏ, trong vòng 5-7% trở lại, thì tác động cũng chưa lớn. Và nếu có, cũng là đem lại lợi thế về xuất khẩu cho Việt Nam.

Nhiều nền kinh tế mạnh trong khu vực đã và đang có hướng thả nổi đồng tiền của mình, với Việt Nam, điều đó có xảy ra?

Các nước trong khu vực, sau khi Nhân dân tệ tăng giá, kiểu gì cũng sẽ điều chỉnh đồng tiền của họ lên một chút . Nhưng với Việt Nam, chúng ta đang trong bối cảnh phải theo chính sách tỷ giá để phục vụ cho xuất khẩu trong một nền kinh tế nhập siêu.

Nếu như tỷ giá đồng Việt Nam ổn định tức là chúng ta vẫn bị mất giá thêm một chút, 1-2%. Nhưng tỷ lệ này đặt trong "rổ" biến động tiền tệ thế giới thì không biến động gì cả.

Nhưng cũng phải biết rằng với tỷ giá cố định, Trung Quốc đã có lợi không ít khi các đồng vốn đầu tư vào nước này đã yên tâm ngủ trong một giấc mơ dài. Chính vì thế, khi Trung Quốc thay đổi có nghĩa họ đã lựa chọn một con đường mới và điều đó khiến Việt Nam phải chăm chú theo dõi.

Việt Nam có những lựa chọn và đặc trưng khác với Trung Quốc, nhưng không được coi thường việc điều chỉnh giá của đồng Nhân dân tệ.

Đồng Nhân dân tệ nằm trong mức quan tâm nào của Ngân hàng Trung ương?

Ngân hàng Trung ương từ năm 2004 đã bắt đầu có chính sách nghiên cứu sâu về đồng Nhân dân tệ. Một nền kinh tế lớn như Trung Quốc cũng đặt ra vấn đề với Việt Nam rằng mình nên như thế nào. Đó là một điều đáng suy nghĩ.

Sự thay đổi giá trị Nhân dân tệ có làm Ngân hàng Trung ương nhìn lại cơ cấu dự trữ ngoại hối của mình?

Việc tăng giá đồng tiền của Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam đã có lường trước. Vẫn phải biết có quy luật "lượng đổi chất" nhưng mà lượng như thế chưa đổi với chất được. Việt Nam đang phải chăm chú theo dõi sự biến động của Nhân dân tệ để có những đối sách phù hợp.

Đặc biệt, khi Việt Nam đang tiếp cận cơ chế tỷ giá theo "rổ" đồng tiền được quy định bởi các mối quan hệ thương mại, vay nợ, đầu tư, các giao dịch vãng lai... để lượng hoá được từng đồng tiền trong "rổ" đó.

Nhân dân tệ là đồng tiền của quốc gia sát nách "nhà" ta, dân số lớn đến hơn 1,2 tỷ người, GDP cực lớn, lại có nhiều mối quan hệ với Việt Nam. Nhưng khi chúng ta làm chính sách tỷ giá thì phải nhìn đồng tiền đó trong cái chung của nhiều đồng tiền trong "rổ".

"Rổ" tiền của chúng ta được quy định bởi các yếu tố về thương mại, đầu tư vay nợ với nhiều nước. Không phải do đồng Nhân dân tệ tăng giá lên 1 tý thì chúng ta phải điều chỉnh lại ngay.

Dự trữ ngoại hối Nhà nước cũng phải xem xét kỹ trên nền tảng của một "rổ" tiền. Nền kinh tế quyết định cơ cấu ngoại hối chứ không phải 1 đồng tiền có thể quyết. Việt Nam chưa bị ảnh hưởng gì đáng kể khi Nhân dân tệ tăng giá.

Tỷ giá và thị trường tiền tệ trong nước những ngày tới có thay đổi bởi tác động của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc với đồng Nhân dân tệ?

Có lẽ không có biến động gì lớn.

Sự thay đổi lần này có khiến người ta phải chú ý đến đồng Nhân dân tệ ở khía cạnh khác nữa?

Trung Quốc đang trở thành một nền kinh tế lớn, nhưng trên thị trường hối đoái quốc tế người ta chưa dùng nhiều Nhân dân tệ.

Tuy nhiên, động thái này đã nói lên một điều rằng Trung Quốc đã "mềm" hơn trong chính sách tiền tệ. Họ đã phát đi một tín hiệu mới và nó báo hiệu sự thay đổi trong chính sách tiền tệ, tư duy của quốc gia này. Đây mới là vấn đề quan trọng.

Cảm ơn ông!

Theo VietNamnet