"Có tiền mà không tiêu được", Thứ trưởng chỉ ra 3 nhóm lý do

Mộc An

(Dân trí) - 3 nhóm nguyên nhân khiến đầu tư công giải ngân chậm gồm nhóm thể chế, chính sách pháp luật, nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai, thực hiện, nhóm khó khăn liên quan đặc thù của năm.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam sáng 17/12, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương điểm lại tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Kế hoạch đầu tư công năm nay được thực hiện trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhiều thay đổi nhanh, mạnh cùng những yếu tố mới xuất hiện, nằm ngoài dự báo. Đồng thời, 2022 cũng là năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nên cần thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, năm có số vốn cần giải ngân khá lớn, tăng 26%, tương đương 120.000 tỷ đồng, so với kế hoạch năm 2021. 2022 cũng là năm chịu tác động của nhiều yếu tố từ bên ngoài dẫn tới giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa quốc tế... tăng cao.

Để đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, khơi thông nguồn vốn, từ đầu năm đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 12 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết chuyên đề, 4 công điện, 7 văn bản; tổ chức 3 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; thành lập 6 tổ công tác do 4 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân.

Có tiền mà không tiêu được, Thứ trưởng chỉ ra 3 nhóm lý do - 1

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương điểm ra 3 nhóm lý do khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm (Ảnh: Đầu Tư).

Tại các hội nghị trực tuyến giải ngân, các cuộc họp của tổ công tác, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cũng nêu khá chi tiết các nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Có nguyên nhân khách quan và chủ quan, có những nguyên nhân tồn tại trong nhiều năm, có những nguyên nhân mang tính đặc thù của từng năm kế hoạch.

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo, tổng hợp 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu.

Thứ nhất là nhóm thể chế, chính sách pháp luật.

Thứ hai là nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai, thực hiện.

Thứ ba là nhóm khó khăn liên quan đến những đặc thù của năm 2022 với 39 nhóm vấn đề vướng mắc quy định tại các Nghị định của Chính phủ và văn bản pháp luật liên quan đến 7 lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương lấy ví dụ như liên quan đến lĩnh vực đất đai: chưa quy định rõ thẩm quyền bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án đi qua 2 địa phương, trong khi nhu cầu triển khai các dự án liên vùng để liên thương giữa các địa phương là rất lớn.

Hay trong lĩnh vực môi trường, việc yêu cầu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với tất cả các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa dù là 1m2 cũng cần rà soát lại. Liên quan đến lĩnh vực xây dựng, việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng, toàn bộ các dự án nhóm A, B của bộ, cơ quan trung ương; dự án nhóm A do địa phương quản lý, dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính từ 2 tỉnh trở lên đều phải trình Bộ Xây dựng hoặc Bộ chuyên môn về xây dựng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng.

Từ phân tích, đánh giá một cách khách quan các nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các giải pháp, kịp thời tháo gỡ, xử lý vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt đã yêu cầu các bộ, quản lý ngành lĩnh vực phải rà soát tất cả các vướng mắc liên quan đến lĩnh vực được phân công quản lý. Trên cơ sở đó, tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực thi pháp luật, tổ chức lấy ý kiến nhất là các đối tượng chịu tác động của chính sách, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp yêu cầu thực tiễn.

Cùng với đó là sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, kết quả giải ngân 11 tháng năm 2022 đã đạt được kết quả khá tích cực. Ước tính, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN từ đầu năm đến ngày 30/11/2022 là 338.319,81 tỷ đồng, đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 và một số năm gần đây nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây.

Năm 2022, NSNN tiếp tục tập trung, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông quan trọng quốc gia và hạ tầng đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng nhằm hỗ trợ các vùng phát triển theo các Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, tạo ra các khu vực và cực tăng trưởng mới.

Đến nay, một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, đoạn La Sơn - Túy Loan, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Thủ Thiêm 2 đã được đưa vào sử dụng. 361 km đường cao tốc Bắc - Nam trong năm 2022 (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) đang được đôn đốc, phấn đấu cơ bản hoàn thành. Sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, sân bay Phan Thiết… được khởi công xây dựng. 

Chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách năm 2022, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết 124 ngày 15/9/2022 của Chính phủ, trong đó đôn đốc chủ đầu tư triển khai thi công, có khối lượng ra kho bạc thanh toán ngay.