Có tiền cũng khó mua vàng, đi 3 tiệm mới mua được 1 chỉ vàng nhẫn

Mỹ Tâm Nhật Quang

(Dân trí) - Không ít tiệm vàng ở Hà Nội và TPHCM báo "cháy" hàng vàng miếng, chỗ khác lại báo "cháy" vàng nhẫn. Khách có tiền mà khó mua vàng.

Theo khảo sát thực tế của phóng viên Dân trí, một số cửa hàng vàng lớn tại Hà Nội và TPHCM ghi nhận việc tạm hết vàng miếng, vàng nhẫn loại 1 chỉ, 5 phân. Các cửa hàng đa số còn vàng SJC loại 1 lượng, vàng nhẫn cũng hiếm hàng.

Khách đi mấy lần mà không mua được vàng, tiệm không nhận đặt cọc

Phương Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) cuối tuần vừa rồi ra một tiệm vàng lớn ở phố Thái Hà hỏi mua vàng nhẫn loại 1 chỉ. Tuy nhiên, tiệm này hết sạch loại này. Nhân viên cho biết chỉ còn vàng miếng và gợi ý khách chuyển sang chi nhánh ở phố Giang Văn Minh để mua.

Phương Anh chủ động gọi theo số hotline cửa hàng và nhận được thông báo chi nhánh Giang Văn Minh còn, cô đi sang song tới nơi thì chỉ vàng cuối cùng đã được bán trước đó 10 phút. Nhân viên cho biết hiện cửa hàng chỉ còn loại vàng nhẫn 3 phân.

Chị Minh Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đến một tiệm vàng lớn với nhu cầu mua 30 cây vàng. Tuy nhiên, nhân viên cửa hàng phản hồi hiện chưa đủ. Cửa hàng này yêu cầu khách muốn có hàng phải thanh toán trước, sau đó sẽ gửi lại giấy hẹn và có thể khách sẽ phải chờ từ 2-3 ngày sau mới nhận được.

Có tiền cũng khó mua vàng, đi 3 tiệm mới mua được 1 chỉ vàng nhẫn - 1

Vàng nhẫn khan hiếm tại một số cửa hàng lớn (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Chị Nguyễn Thủy (quận 10, TPHCM) kể chị tìm mua 3 chỉ vàng nhẫn nhưng đi 2-3 cửa hàng vàng lớn gần nhà đều báo hết hàng. Phải đến tiệm thứ 3 thì mới mua được một chỉ vàng nhẫn đầu tiên. Hiện cửa hàng chỉ có các loại vàng thần tài, tài lộc… còn vàng miếng, vàng nhẫn loại 5 phân, 1 chỉ gần như không có.

"Tôi ngỏ ý muốn đặt cọc để mua 3 chỉ vàng nhẫn, nhưng nhân viên tư vấn nói chỉ bán khi có sẵn hàng tại cửa hàng, cũng không nhận đặt cọc hay giữ vàng hộ", chị Nguyễn Thủy kể.

Nhân viên tư vấn tại một số "nhà vàng" lớn cho biết, một tuần trở lại đây kể từ sau ngày vía Thần Tài (19/2), nhiều khách hàng tìm mua loại vàng nhẫn, vàng miếng loại dưới 1 chỉ. Nhưng sau ngày này, các mặt hàng trên tương đối hiếm, lượng khách mua vào nhiều hơn bán ra, mỗi chi nhánh cửa hàng chỉ còn vài chỉ lẻ, thậm chí là không còn hàng để bán.

Ngày vía Thần Tài, người dân có nhu cầu tìm kiếm vàng mua để tích trữ tương đối lớn. Ngay cả một số loại sản phẩm như vàng mini loại 0,2 phân, 0,3 phân hiện cũng rơi vào tình trạng khan hiếm, mỗi cửa hàng chỉ lác đác còn vài ba miếng.

Nếu trong trường hợp khách muốn mua số lượng lớn, buộc cửa hàng phải gom hàng từ nhiều chi nhánh, thời gian giao hàng cho khách có thể lên tới 2-3 ngày.

Có tiền cũng khó mua vàng, đi 3 tiệm mới mua được 1 chỉ vàng nhẫn - 2

Hậu vía Thần tài, một số "nhà vàng" có tình trạng "cháy" hàng (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Phiên giao dịch hôm nay (27/2), giá vàng miếng SJC cũng lên cao nhất từ đầu năm, vượt 79,5 triệu đồng. Mỗi lượng vàng miếng SJC đang được niêm yết tại 63,7-64,9 triệu đồng (mua - bán). Vàng nhẫn cũng tăng, được niêm yết tại 63,7-64,9 triệu đồng (mua - bán), tăng 150.000 đồng ở chiều mua vào và bán ra.

Chuyên gia: Vàng khan hiếm hậu vía Thần Tài là chuyện thường

Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, việc vàng nhẫn, vàng miếng khan hiếm sau ngày vía Thần Tài là chuyện bình thường, năm nào cũng diễn ra. Về cơ bản, các loại vàng 5 phân, 1 chỉ chỉ phục cho ngày trên, còn ngày thông thường các cửa hàng sẽ tập trung bán vàng trang sức.

Bên cạnh đó, nhu cầu của vàng chỉ cũng không có quá nhiều ở những ngày thường. Người dân không có nhu cầu mua thì các "nhà vàng" không nhập về nhiều để bán. Thị trường vàng miếng, vàng nhẫn chỉ được tiêu thụ nhiều vào dịp đầu, cuối năm và ngày Thần Tài. Do đó thị trường có phần khan hiếm các sản phẩm dưới 1 chỉ cũng không phải việc quá khó hiểu.

"Với thị trường hiện nay, vàng miếng, vàng nhẫn có thể còn ở một số tiệm vàng nhỏ lẻ, nhưng số lượng không quá nhiều. Còn tại các cửa hàng lớn, họ sẽ tập trung bán vàng trang sức, vàng có thương hiệu", ông Huân nói.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) đề cập thêm đến giả định có lượng lớn người từ trước đã nắm được kịch bản giá kim loại quý thế giới được dự báo sẽ tăng mạnh khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất. Những người này tích vàng với mục đích làm khan hiếm, đẩy giá lên, sau này bán ra kiếm lời. "Tuy nhiên đây chỉ là giả định có thể xảy ra", ông nói.

"Hoặc đây cũng có thể là chiêu trò làm thị trường khan hiếm, tác động đến cơ quan quản lý, thúc đẩy việc sửa Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng", ông Độ nói và cho rằng thực tế đây chỉ là giả định, hiện tượng khan hiếm vàng hậu vía Thần Tài chưa thể khẳng định điều gì. 

Còn trước thông tin liệu có phải các "nhà vàng" đang gom vàng miếng để chờ sửa đổi Nghị định 24 năm 2012 về quản lý thị trường vàng, ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng điều này không đúng.

"Vàng miếng, vàng nhẫn không nhất thiết phải gom vì đều là vàng nguyên liệu. Các nhà vàng đều có thể dễ dàng nhập và dập thành vỉ để bán ra, không quá khan hiếm tới mức các doanh nghiệp phải gom vàng lẻ", ông nói.