Có thể tịch thu tang vật vụ giao dịch trái phép gần 400.000 USD
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước chi nhánh TPHCM.
Ông Minh nói: Thời gian qua khi xử lý việc mua bán USD trái phép, cơ quan chỉ xử phạt người kinh doanh, còn người dân được châm chước, cụ thể là được hoàn trả số ngoại tệ sau khi xử phạt vi phạm. Tuy nhiên tới đây người dân không chấp hành sẽ bị xử lý nặng, cụ thể sẽ bị tịch thu tang vật, đồng thời bị xử phạt hành chính.
Lý do vì sao chưa xử phạt, thưa ông?
Theo nghị định 202, trường hợp mua bán USD trái phép, mức phạt tiền từ 5-12 triệu đồng. Như vậy mức xử phạt cao nhất với người dân mua bán USD với tiệm vàng có thể lên đến 8,5 triệu đồng.
Tuy nhiên thời gian qua, cơ quan chức năng không xử phạt người dân vì hầu hết giá trị mua bán rất nhỏ so với mức xử phạt theo quy định. Do vậy nếu xử phạt, chắc chắn người dân sẽ chịu mất tiền chứ không nộp phạt.
Hơn nữa đó là khoản tiền người dân có được do nhận kiều hối, dành dụm..., do vậy hướng xử phạt trong thời gian qua chỉ nhắm vào đơn vị kinh doanh. Nguyên nhân người dân chọn bán USD cho tiệm vàng là do giá USD niêm yết trong NH thấp hơn thị trường tự do.
Để đưa thị trường vào khuôn phép, NH Nhà nước đang đề xuất tịch thu số ngoại tệ giao dịch trái phép, bất kể là của tiệm vàng hay của người dân.
Do vậy trong thời gian tới nếu người dân vẫn bán USD cho tiệm vàng thì rủi ro phải chịu sẽ lớn hơn rất nhiều so với những lợi ích nhận được từ chênh lệch giá.
NH Nhà nước đang dự thảo nghị định thay thế nghị định 202 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đó, mức phạt sẽ tăng lên 5-7 lần so với hiện nay.
Cụ thể trường hợp hoạt động không đúng nội dung ghi trong giấy phép, hoạt động ngoại hối không có xác nhận đăng ký hoặc không có xác nhận đủ điều kiện, theo quy định mức phạt tối đa 500 triệu đồng.
Chánh thanh tra, giám sát NH NH Nhà nước có thẩm quyền phạt tiền đến 500 triệu đồng. Chánh thanh tra, giám sát NH NH Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền phạt tiền đến 30 triệu đồng. Thanh tra viên NH đang thi hành công vụ có quyền phạt đến 500.000 đồng.
Những người dân có nhu cầu chính đáng sẽ mua, bán ngoại tệ ở đâu?
Theo quy định tại pháp lệnh ngoại hối, người dân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, gửi tiết kiệm... nhưng phải bán cho tổ chức tín dụng hoặc các đại lý thu đổi được NH ủy nhiệm.
Ngược lại, người dân chỉ được mua ngoại tệ trong một số trường hợp được quy định như du học, du lịch, thăm viếng, chữa bệnh, trả các loại phí, trợ cấp thân nhân ở nước ngoài, thừa kế, chuyển tiền định cư...
Căn cứ trên giấy tờ cũng như yêu cầu hợp lý, hợp pháp của từng giao dịch, NH sẽ xem xét bán ngoại tệ cho các nhu cầu chính đáng theo khả năng cân đối nguồn ngoại tệ hiện có của NH. NH Nhà nước không quy định số ngoại tệ tối đa tổ chức tín dụng bán cho khách hàng mà căn cứ trên từng trường hợp cụ thể.
Cũng không có ràng buộc NH phải đáp ứng tất cả nhu cầu ngoại tệ của người dân.
Thực tế do không có sự ràng buộc nào nên thời gian qua người có nhu cầu chính đáng rất khó mua ngoại tệ từ NH?
Trong những thời điểm giá ngoại tệ tự do xuống thấp hơn niêm yết, NH có nguồn ngoại tệ dồi dào thì việc xét bán ngoại tệ cho người dân có nhu cầu chính đáng dễ dàng. Tuy nhiên thời gian gần đây do chênh lệch giữa giá USD tự do và USD niêm yết, NH khó mua USD hơn, do vậy nguồn để cung ứng cho nhu cầu chính đáng của người dân eo hẹp hơn.
Nói cách khác, khúc mắc lớn nhất trong việc tiếp cận nguồn ngoại tệ từ NH là do yếu tố tỉ giá. Thị trường chợ đen chỉ bị xóa bỏ khi thị trường tồn tại một tỉ giá. Đây là bài toán nan giải mà chính phủ đang phải giải quyết.
Giới kinh doanh đang chuyển sang giao dịch ngầm. NH Nhà nước làm gì để chặn những biến tướng của thị trường?
NH Nhà nước TPHCM đã lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra và báo cáo UBND TP.HCM. Lần này việc thanh tra, kiểm tra sẽ tiến hành thường xuyên. Cơ quan chức năng sẽ dùng biện pháp mạnh hơn để lập lại trật tự, kỷ cương cho thị trường.
Theo Ánh Hồng
Báo Tuổi trẻ