Cổ phiếu Vingroup tăng trần sau loạt tin vui từ tỷ phú Vượng
(Dân trí) - Cổ phiếu "họ" Vin là tâm điểm trong phiên sáng nay, đặc biệt là "át chủ bài" VIC tăng trần và trở thành đầu tàu kéo VN-Index có lúc vượt 1.220 điểm.
Thị trường chứng khoán mở cửa phiên đầu tuần với diễn biến tích cực của chỉ số chính. VN-Index từ ngay những phút đầu tiên đã bật tăng vượt 1.220 điểm trước khi rung lắc ở vùng điểm số cao, tạm đóng cửa với mức tăng 7,19 điểm tương ứng 0,6% lên 1.214,86 điểm.
VN30-Index tăng 7,59 điểm tương ứng 0,63% lên 1.220,04 điểm. Trong khi đó, HNX-Index cũng tăng 1,69 điểm tương ứng 0,71% và UPCoM-Index tăng 0,22 điểm tương ứng 0,24%.
Mặc dù áp lực chốt lời vẫn hiện hữu thể hiện qua con số 370 mã giảm nhưng lực cầu khỏe đủ sức "cân" thị trường. Theo đó, cả 3 sàn có 486 mã tăng, 27 mã tăng trần. Thanh khoản tăng vọt lên 626,25 triệu cổ phiếu tương ứng 12.544,44 tỷ đồng trên HoSE và 69,38 triệu cổ phiếu tương ứng 1.057,59 tỷ đồng trên HNX.
Cổ phiếu "họ Vin" là tâm điểm trong phiên sáng nay, đặc biệt là "át chủ bài" VIC tăng trần và trở thành đầu tàu kéo VN-Index tăng 3,5 điểm. VHM đóng góp 2,67 điểm và VRE đóng góp 0,45 điểm cho VN-Index. Khớp lệnh tại VIC cũng tăng đột biến lên 10,2 triệu đơn vị, thời điểm hiện tại còn dư mua giá trần 4,26 triệu cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu trong hệ sinh thái Vingroup có diễn biến tăng mạnh trong phiên sáng nay sau khi các doanh nghiệp công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II khả quan, đồng thời, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng công khai kế hoạch VinFast sẽ niêm yết tại Mỹ vào tháng 8 tới.
Bên cạnh VIC, rổ VN30 cũng chứng kiến đà tăng mạnh của loạt bluechip: VHM tăng 4,1%; BVH tăng 3,2%; VRE tăng 2,6%; ACB tăng 2,5%; GAS tăng 2,1%; MSN tăng 1,6%; GVR, TCB, PLX, POW cũng tăng mạnh hơn 1%.
Cổ phiếu bất động sản tiếp tục có diễn biến trên vùng giá 1.200 điểm của VN-Index. QCG tăng trần với dư mua giá trần 1,66 triệu đơn vị. Sáng nay cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai vượt mệnh giá lên 10.350 đồng. NVT cũng tăng trần lên 10.200 đồng; TCH tăng 5,3% lên 10.850 đồng, áp sát mức giá trần; SHS tăng thêm 4,4%; LGL tăng 3,4%.
Cổ phiếu ngân hàng ghi nhận sự điều chỉnh tại "ông lớn" VCB với mức giảm 1,3%; VPB, SHB, STB giảm nhẹ. Dù vậy, phần lớn cổ phiếu ngành này đang tăng giá: EIB tăng 2,9%; ACB tăng 2,5%; OCB tăng 1,6%; TCB tăng 1,3%; LPB tăng 1,2%...
Ngược lại, cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu lại điều chỉnh trên diện rộng. PTC giảm 5,1%; BMP giảm 2,86%; CTD giảm 2,2%; NHA giảm 1,7%; LCG, VGC, FCN giảm giá. Diễn biến điều chỉnh này đơn thuần đến từ hoạt động chốt lời, áp lực bán chưa mạnh.
Nhóm ngành bán lẻ cũng giảm giá ở hầu hết cổ phiếu: FRT giảm 3,6%; PIT giảm 3,4%; MWG giảm 2,9%; DGW giảm 1,1%... Nhóm ngành này trong tuần trước có diễn biến tích cực nên hoạt động chốt lời ngắn hạn của nhà đầu tư là dễ hiểu.
Dẫn đầu khớp lệnh trong sáng nay vẫn là NVL và HPG với lần lượt 27,5 triệu và 25,8 triệu cổ phiếu khớp lệnh, nhưng hai mã này lại đang điều chỉnh. NVL giảm 1,4% và HPG giảm 2,3%.
Theo nhận định của giới phân tích, thị trường vẫn được hỗ trợ và hướng đến vùng cản 1.220-1.230 điểm, đây là vùng biên trên của kênh giá và dự kiến vùng này có thể gây áp lực cung lớn đến thị trường.
Do vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng khả năng nới rộng nhịp tăng của thị trường nhưng diễn biến có thể sẽ gặp nhiều khó khăn do cận vùng cản. Hiện tại, có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu đang có tín hiệu tốt nhưng vẫn cần cân nhắc chốt lời tại các cổ phiếu đã tăng đến vùng cản để cân đối lại danh mục.