1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Cổ phiếu thấp nhất 52 tuần sau tin Facebook dọa cắt dịch vụ ở châu Âu

Nhật Linh

(Dân trí) - Cổ phiếu của Meta (Facebook) tiếp tục giảm thêm 5,14% trong phiên giao dịch hôm qua, nối tiếp đà giảm sau báo cáo thu nhập gây thất vọng, xuống mức thấp nhất trong 52 tuần.

Trong phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu Meta (Facebook) trên sàn Nasdaq đóng cửa ở mức 224,91 USD/cổ phiếu, giảm 12,18 USD so với phiên trước đó, tương đương giảm 5,14%. Vốn hóa thị trường cũng bốc hơi mạnh xuống còn 625,65 tỷ USD. 

Nếu so với mức giá ngày 323 USD/cổ phiếu trước khi cổ phiếu này đổ đèo sau tin báo cáo thu nhập thất vọng, cổ phiếu Meta đã "bốc hơi" hơn 28,5%. Vốn hóa thị trường của Meta cũng giảm từ mức gần 900 tỷ USD cuối năm 2021 xuống còn 625 tỷ USD, tương ứng giảm hơn 270 tỷ USD.

Với việc nắm giữ 13% cổ phần tại Meta, tỷ phú Zuckerberg tiếp tục giảm 4,2 tỷ USD xuống còn 80,3 tỷ USD giá trị tài sản ròng, theo Forbes, không còn nằm trong top 10 tỷ phú giàu nhất thế giới.

Cổ phiếu thấp nhất 52 tuần sau tin Facebook dọa cắt dịch vụ ở châu Âu - 1

Meta dọa sẽ đóng cửa Facebook và Instagram ở châu Âu nếu không được tiếp tục chuyển dữ liệu người dùng giữa châu Âu và Mỹ (Ảnh: Getty).

Cổ phiếu Meta tiếp tục giảm sau khi công ty này cho biết họ đang xem xét đóng cửa Facebook và Instagram ở châu Âu nếu không thể tiếp tục chuyển dữ liệu người dùng trở lại Mỹ.

Cảnh báo này được mạng xã hội khổng lồ Mỹ đưa ra trong bối cảnh các cơ quan quản lý ở châu Âu đang soạn thảo quy định mới về việc chuyển dữ liệu người dùng châu Âu sang bên bờ Đại Tây Dương.

Facebook cho biết: "Nếu đạo luật truyền dữ liệu xuyên Đại Tây Dương mới không được thông qua và Meta không thể tiếp tục dựa vào SCC (các điều khoản hợp đồng tiêu chuẩn) hoặc dựa vào các phương tiện truyền dữ liệu thay thế khác từ châu Âu đến Mỹ, chúng tôi sẽ không thể để cung cấp một số sản phẩm và dịch vụ quan trọng nhất của chúng tôi, bao gồm Facebook và Instagram, ở châu Âu".

Bởi điều này "sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng và bất lợi đến hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính và kết quả hoạt động của chúng tôi", công ty này cho biết thêm.

Tuy nhiên, nói trên Twitter, nhà lập pháp châu Âu Axel Voss cho rằng: "Meta không thể đe dọa EU từ bỏ các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu của mình" và nhấn mạnh "việc rời khỏi EU sẽ là mất mát của họ".

Nói với CNBC, người phát ngôn của Meta cũng cho biết, công ty không hề mong muốn và không có kế hoạch rút khỏi châu Âu. "Nhưng thực tế đơn giản là Meta và nhiều doanh nghiệp, tổ chức và các dịch vụ khác đều dựa vào việc truyền dữ liệu giữa EU và Mỹ để vận hành các dịch vụ toàn cầu", Meta cho biết.

Tháng 8/2020, tờ The Wall Street Journal trích dẫn các nguồn tin cho hay, Ủy ban Bảo vệ của Ireland đã gửi cho Facebook một lệnh yêu cầu ngừng chuyển dữ liệu người dùng từ châu Âu sang Mỹ.

Nói với Bloomberg, Patrick Van Eecke, một đối tác và là người đứng đầu mảng dữ liệu và mạng tại công ty luật Cooley LLP, các cơ quan bảo vệ dữ liệu châu Âu đang xem xét kỹ lưỡng những biện pháp bảo mật bổ sung để cho phép các công ty gửi dữ liệu qua lại trong trường hợp không có thỏa thuận mới.

"Tôi không ngạc nhiên khi các công ty bên ngoài châu Âu đang cân nhắc lại việc tiếp tục cung cấp dịch vụ cho thị trường châu Âu có hợp lý hay không vì không còn nhiều lựa chọn nữa", Van Eecke nói.

Đây không phải là lần đầu tiên Facebook đe dọa đóng cửa các dịch vụ của mình. Vào năm 2020, công ty này cũng cho biết có kế hoạch chặn việc chia sẻ tin tức ở Australia, trong nỗ lực chống lại một đạo luật đề xuất buộc Facebook phải trả tiền cho các công ty truyền thông khi đăng các bài báo của họ.