Cổ phiếu Sabeco, Habeco giảm mạnh sau đề xuất đánh thuế TTĐB rượu, bia 100%
(Dân trí) - Giá cổ phiếu SAB của Sabeco và BHN của Habeco trong sáng nay chịu áp lực điều chỉnh mạnh sau thông tin liên quan đến dự thảo sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thị trường chứng khoán đang thử thách sự kiên nhẫn của nhà đầu tư. Đồ thị VN-Index vận động như một đồ thị hình sin, lên xuống dập dờn trên ngưỡng 1.300 điểm và hiện tại tạm dừng ở 1.301,3 điểm, giảm nhẹ 0,21 điểm tương ứng 0,02%.
HNX-Index tương tự, điều chỉnh nhẹ 0,05 điểm tương ứng 0,02%; UPCoM-Index giảm 0,3 điểm tương ứng 0,3%.
Thanh khoản đạt 403,83 triệu cổ phiếu tương ứng 10.607,57 tỷ đồng trên HoSE; 33,83 triệu cổ phiếu tương ứng 623,15 tỷ đồng trên HNX và 39,33 triệu cổ phiếu tương ứng 499,38 tỷ đồng trên UPCoM.
Độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về phía các mã giảm giá. Có 451 mã giảm trên 3 sàn với 23 mã giảm sàn; phía tăng có 410 mã, với 53 mã tăng trần. Trong đó, sàn HoSE có 222 mã giảm so với 176 mã tăng; số lượng mã tăng trần tập trung trên sàn UPCoM (39 mã).
MSN nằm trong top ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số. Liên quan đến cổ phiếu MSN, theo phân tích của Công ty Chứng khoán DNSE, ước tính lợi nhuận năm nay của Masan đạt hơn 1.500 tỷ đồng. Với mức P/B dự phóng là 4,1 lần, nhóm phân tích của công ty chứng khoán này cho rằng MSN "xứng đáng với mức giá 90.000 đồng/cổ phiếu".
Cổ phiếu ngân hàng vẫn đang hỗ trợ khá tốt cho VN-Index, trong đó VCB đóng góp lớn nhất, gần 1 điểm, LPB và SSB đóng góp lần lượt 0,6 điểm và 0,56 điểm. Ngược lại, SAB là cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index sáng nay.
Trong nhóm ngành thực phẩm và đồ uống thì cổ phiếu SAB của Sabeco và BHN của Habeco cũng là 2 mã bị điều chỉnh mạnh nhất, lần lượt giảm 3,7% và 2,5%. Thanh khoản tại BHN rất yếu, cả phiên mới chỉ có 1 giao dịch với lô khớp lệnh 3.000 cổ phiếu do khối ngoại bán ra.
Diễn biến kém tích cực của cổ phiếu 2 "ông lớn" ngành bia sau khi Bộ Tài chính có tờ trình về dự thảo sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) gửi Chính phủ, trong đó, đề xuất đánh thuế với tất cả đồ uống có cồn, thực phẩm lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống pha chế từ cồn thực phẩm.
2 phương án được đưa ra, song Bộ nghiêng về phương án với rượu từ 20 độ trở lên được áp thuế 80% vào năm 2026, tăng dần lên 100% vào 2030; rượu dưới 20 độ chịu thuế 50%, sau đó tăng lên cao nhất 70%; bia các loại cũng tăng dần, từ 80% lên 100%.
Mức thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành với bia là 65%; rượu là 35-65%, tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Đề xuất điều chỉnh lần này của Bộ Tài chính nhằm tăng giá bán thêm 10%, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tại nhóm ngân hàng, SSB tăng mạnh 4,1%; LPB tăng 3,6%. Một số mã lớn như VCB, MBB, ACB, HDB tăng giá; ngược lại, VPB, OCB, TPB, STB, MSB, CTG, SHB và BID điều chỉnh, mức giảm không lớn.
Các nhóm cổ phiếu vẫn xảy ra tình trạng phân hóa song mức độ chênh lệch giá không lớn. Tại ngành bất động sản, HDG, FIR, QCG, LHG, NLG, NBB, TDH giảm giá trong khi HTN tăng trần, VHM, CRE, KBC, VRE tăng giá.
Ở nhóm hàng và dịch vụ công nghiệp, VTP tăng 5,9%; HAH tăng 3,1%; GEX tăng 2,3% trong khi VTO, APH, GSP, TV2… bị chốt lời và điều chỉnh.