1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cổ phiếu Nước sạch Sông Đà và “đại cổ đông” bị “quay lưng”

(Dân trí) - Do tính độc quyền của Viwasupco trong hoạt động cấp nước bán buôn cho các đối tác kinh doanh tại khu vực Tây Nam Hà Nội, doanh nghiệp này vẫn thu lợi lớn dù vướng bê bối 21 lần vỡ đường ống dẫn nước. Đến nay, với sự cố cấp “nước bẩn”, cổ phiếu VCW có dấu hiệu bị cổ đông và nhà đầu tư phản ứng.

Trong bê bối nước sạch cung cấp cho người dân nhiều khu vực trên địa bàn Thủ đô Hà Nội bị nhiễm bẩn suốt gần một tuần qua, Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) là cái tên được gọi tên nhiều nhất.

Đây chính là đơn vị vận hành Nhà máy nước mặt sông Đà, độc quyền cung cấp nước nguồn (bán buôn) cho các đối tác kinh doanh khác tại khu vực Tây Nam Hà Nội. Công suất thiết kế của Nhà máy nước mặt sông Đà là 300.000 m3/ngày và đang đầu tư giai đoạn II để nâng công suất lên gấp đôi là 600.000 m3/ngày.

Được biết, 90% lượng nước của Viwasupco được bán cho 3 khách hàng chính là Viwaco, Hawaco và nước sạch Hà Đông.

Cổ phiếu Nước sạch Sông Đà và “đại cổ đông” bị “quay lưng” - 1

Dầu thải từ con suối đầu nguồn được cho là đã chảy vào hệ thống lọc nước của nhà máy nước mặt sông Đà

Tiền thân của Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà là Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex. Năm 2017, Vinaconex đã thoái toàn bộ vốn cho hai tổ chức là Cơ điện lạnh (REE) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sinh Thái. Năm 2018, Đầu tư và Phát triển Sinh Thái bán lại toàn bộ cổ phần cho Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex.

Hiện tại, hai cổ đông chính nắm phần lớn cổ phần của Viwasupco là Năng lượng Gelex (nắm 60,46%) và REE (nắm 35,95%).

Điều bất ngờ là trong phiên trước, VCW vẫn tăng giá mạnh. VCW phiên hôm qua (15/10) tăng tới 1.000 đồng tương ứng tăng hơn 3% bất chấp làn sóng phẫn nộ của người tiêu dùng đối với hoạt động cấp nước sạch của Viwasupco. Nguyên nhân một phần được cho là do kết quả kinh doanh lãi đậm của Viwasupco.

Với tỉ suất sinh lời lợi nhuận trên doanh thu gần 50%, cùng tính độc quyền trong hoạt động cấp nước bán buôn, Viwasupco dù “dính” nhiều bê bối như vỡ đường ống nước 21 lần, nhiều lãnh đạo bị khởi tố cho đến vụ việc cung ứng nước nhiễm bẩn cho dân hiện nay, lợi nhuận của Viwasupco ít bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, đến sáng nay (16/10), cổ phiếu VCW và GEX đã có dấu hiệu điều chỉnh và bị cổ đông lẫn nhà đầu tư “quay lưng”.

Ngay khi đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO) diễn ra, VCW đã ghi nhận giảm 653 đồng tương ứng 2,02% giá trị xuống còn 34.000 đồng. Tình trạng giảm tiếp tục diễn ra, đến thời điểm 10h30  vẫn chưa thấy dấu hiệu hồi phục ở mã này.

Khối lượng giao dịch tại VCW mặc dù thấp hơn so với mặt bằng thị trường song lại bứt tốc đáng kể so với những phiên trước. Mã này nhiều phiên liền “chết” thanh khoản, hôm qua tăng giá mạnh nhưng cũng chỉ có 1.900 cổ phiếu được khớp. Đến 10h30 sáng nay thì khối lượng khớp lệnh cải thiện lên con số 2.400 cổ phiếu.

GEX tương tự cũng giảm 1,14% (tức giảm 250 đồng mỗi cổ phiếu) xuống mức giá 21.750 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, mã này vẫn đang trong vùng giá cao khi mức đỉnh thiết lập hồi tháng 10 năm ngoái cũng chỉ là 23.700 đồng.

Nếu hôm qua, GEX được giao dịch mạnh gần 2,5 triệu cổ phiếu khớp lệnh trong phiên thì sáng nay, sau 1 giờ rưỡi giao dịch, mã này mới chỉ có hơn 62.500 cổ phiếu được chuyển nhượng.

Về phần REE, mã này cũng đang có xu hướng đi xuống sau khi “dập dìu” quanh mức giá tham chiếu 37.700 đồng. Đến khoảng gần 11 giờ thì mã này mất 0,27% còn 37.600 đồng và được khớp lệnh gần 268 nghìn đơn vị.

Chưa thể khẳng định hoạt động điều chỉnh giá tại GEX và REE có liên quan đến diễn biến tại Viwasupco hay không và song phản ứng của cổ đông nhỏ lẻ tại VCW là khá dễ hiểu. Hôm qua, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định sẽ gửi công văn cho tỉnh Hoà Bình để đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của Viwasupco.

Theo lãnh đạo thành phố, do doanh nghiệp này không kiểm soát tốt nên dầu phế thải mà người dân đổ xuống suối đầu nguồn đã chảy vào hệ thống lọc nước của nhà máy và tạo ra mùi bất thường trong nước sinh hoạt của dân.

Diễn biến mới nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Viwasupco không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Mai Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm