Cổ phiếu nhà Cường "Đô La" cháy hàng; Vinhomes đột biến giao dịch

Mai Chi

(Dân trí) - Trong khi áp lực chốt lời mạnh khiến VN-Index lùi về dưới 1.290 điểm thì VHM vẫn tăng mạnh 4%, khớp lệnh gần 28 triệu cổ phiếu. QCG tăng trần và cháy hàng khi dư mua gấp đôi khớp lệnh.

Hoạt động chốt lời gia tăng quanh vùng 1.290 điểm của VN-Index. Mặc dù phần lớn thời gian phiên sáng nay (14/10), chỉ số VN-Index dao động trên ngưỡng tham chiếu song kết phiên vẫn ghi nhận sụt giảm 2,05 điểm tương ứng 0,16% còn 1.286,34 điểm.

HNX-Index giảm 0,66 điểm tương ứng 0,28% còn 230,72 điểm; UPCoM-Index giảm 0,22 điểm tương ứng 0,24% còn 92,38 điểm.

Thanh khoản thị trường đạt 295,7 triệu cổ phiếu tương ứng 18.282,17 tỷ đồng trên HoSE và 38,4 triệu cổ phiếu tương ứng 692,77 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 26,64 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 332,85 tỷ đồng.

Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm giá. Có 433 mã giảm so với 339 mã tăng trên toàn thị trường, tuy nhiên, biên độ dao động của các cổ phiếu không lớn. Cả 3 sàn chỉ có 14 mã giảm sàn và 20 mã tăng trần.

Cổ phiếu Vinhomes vẫn giữ vai trò tích cực nhất đến VN-Index. Chỉ riêng VHM đã đóng góp 2,02 điểm cho chỉ số chính, kế đến là VIC đóng góp 0,7 điểm. Dù vậy, do áp lực bán trên thị trường mạnh hơn, chỉ có 146 mã tăng so với 222 mã giảm, nên 2 mã này vẫn không thể giúp VN-Index đóng cửa với sắc xanh.

Cổ phiếu nhà Cường Đô La cháy hàng; Vinhomes đột biến giao dịch - 1

Giao dịch tại VHM phiên 14/10 (Nguồn: VDSC).

Cụ thể, VHM tăng 4% lên 45.350 đồng, khớp lệnh cao với 20,7 triệu cổ phiếu, tính cả giao dịch thỏa thuận là 27,6 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch của VHM đạt 1.246,4 tỷ đồng. VIC tăng 0,8% lên 42.150 đồng, khớp lệnh 4,3 triệu đơn vị; VRE tăng 0,8%, khớp lệnh 11,6 triệu đơn vị.

Trong nhóm ngành bất động sản, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai tích cực nhất khi tăng trần từ sớm và giữ được giá trần đến hết phiên giao dịch. Thị giá của QCG đã là 7.990 đồng/đơn vị, khớp lệnh đạt 1,2 triệu đơn vị trong khi vẫn còn 2,26 triệu cổ phiếu dư mua giá trần.

Chiều ngược lại, nhiều mã bất động sản điều chỉnh. DIG giảm 1,2%; NLG giảm 1,4%; PDR giảm 1,6%; DXG giảm 1,9%; HTN giảm 4,4%. Cổ phiếu TCH chiều nay thoát sàn nhưng vẫn giảm sâu 6,3% còn 16.450 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh lớn với 35,1 triệu đơn vị. Trong số đó, TCH được giao dịch giá sàn tới 13,5 triệu đơn vị.

Cùng "họ" Hoàng Huy, HHS vẫn trắng bên mua, giảm sàn về 7.450 đồng/đơn vị, khớp lệnh đạt 9,2 triệu cổ phiếu. Ngược lại, 2 mã cùng ngành ô tô và phụ tùng là HTL và TMT lại tăng trần và trắng bên bán.

Thanh khoản vẫn tập trung tại cổ phiếu ngân hàng, trong đó, EIB khớp lệnh mạnh nhất, đạt 42,7 triệu đơn vị; VPB khớp lệnh 22,6 triệu đơn vị; MBB khớp lệnh 15,6 triệu đơn vị; STB khớp lệnh 12,9 triệu đơn vị; TCB khớp lệnh 11,9 triệu đơn vị… Tuy vậy, phần lớn mã ngân hàng lại điều chỉnh giá, EIB giảm 4,5%; HDB, LPB, SSB giảm hơn 1%.

Nhiều cổ phiếu được xếp vào ngành hóa chất tăng trần và tăng giá tốt. RDP, DTT, TRC và VAF tăng kịch biên độ sàn HoSE, GVR tăng 2,3%, PHR tăng 2%; DPR tăng 1,8%; DGC, BRC, BFC tăng nhẹ.

Theo giới phân tích, thị trường vẫn tin vào khả năng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm 0,25 điểm % lãi suất điều hành trong cuộc họp sắp tới. Hơn thế nữa, sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 cũng sẽ tác động nhất định tới thị trường tài chính toàn cầu. Trong bối cảnh nhà đầu tư đang nghe ngóng và chờ đợi những diễn biến quan trọng tới đây, việc thị trường giao dịch chậm và thận trọng có thể tiếp diễn trong tuần này.

Chỉ số VN-Index được dự báo dao động trong biên độ hẹp tại 1.260-1.300 điểm. Do đó, nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư ở mức hợp lý, có thể cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu khi chỉ số VN-Index tiệm cận vùng cận trên quanh 1.300 điểm.

Ngược lại, nhà đầu tư có thể mua vào, gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu chỉ số lùi về hỗ trợ quanh 1.260 điểm, ưu tiên những nhóm ngành có triển vọng kinh doanh cải thiện trong 2 quý cuối năm, bao gồm ngân hàng, bất động sản nhà ở và nhóm xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm