Đại gia Trương Gia Bình thưởng đậm nhân tài, FPT phá đỉnh lịch sử
(Dân trí) - Cổ phiếu FPT phá đỉnh lịch sử trong sáng nay, lên 140.900 đồng trong khi loạt nhân sự cấp cao tại tập đoàn này được mua vào với mức giá chỉ 10.000 đồng.
Thị trường phiên sáng nay (10/10) tiếp tục đà hồi phục tốt. VN-Index tăng 7,84 điểm tương ứng 0,61% lên 1.289,69 điểm với thanh khoản cải thiện. HNX-Index tăng 0,29 điểm tương ứng 0,13%; UPCoM-Index tăng 0,27 điểm tương ứng 0,29%.
Khối lượng giao dịch trên sàn HoSE đạt 369,03 triệu cổ phiếu tương ứng 9.848,26 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 20,25 triệu cổ phiếu tương ứng 374,89 tỷ đồng và trên sàn UPCoM là 15,77 triệu cổ phiếu tương ứng 225,12 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã tăng giá với 400 mã tăng so với 269 mã giảm. Riêng tại HoSE có 201 mã tăng, 135 mã giảm giá. Dù vậy, lực mua vào chưa thực sự quyết liệt do rất ít cổ phiếu tăng trần, nhà đầu tư chưa sẵn sàng chi tiền bằng mọi giá để sở hữu cổ phiếu. Toàn thị trường chỉ có 8 mã tăng trần và đều là cổ phiếu trên sàn UPCoM.
Cổ phiếu vốn hóa lớn phát huy vai trò dẫn dắt thị trường. Với 24 mã tăng giá trong rổ VN30, chỉ số rổ này tăng 12,57 điểm tương ứng 0,93%.
FPT là mã có ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index với mức đóng góp 1,97 điểm. Mã này tăng 4,1% tương ứng tăng 5.500 đồng mỗi đơn vị lên 140.900 đồng, thiết lập mức đỉnh mới. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, FPT đã có 35 lần vượt đỉnh.
Đà tăng mạnh của FPT diễn ra trong bối cảnh công ty phát hành 2 đợt ESOP tổng cộng hơn 10,6 triệu cổ phiếu ưu đãi giá 10.000 đồng cho cán bộ nhân viên qua đó đưa số lượng cổ phiếu từ 1,46 tỷ cổ phiếu lên 1,47 tỷ cổ phiếu.
Cụ thể, có hơn 7,3 triệu cổ phiếu được phát hành với giá 10.000 đồng cho các nhân viên từ Level 4 (tương đương chuyên gia và trưởng phòng). Trong danh sách công bố có 226 nhân viên được nhận cổ phiếu với người được mua nhiều nhất có số lượng 277.852 cổ phiếu. Cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm.
Bên cạnh đó, FPT phát hành hơn 3,3 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng cho 7 người là: ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT; ông Nguyễn Thế Phương, Phó Tổng Giám đốc FPT; ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc FPT; ông Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic; ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phần mềm FPT; ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH FPT Smart; ông Đặng Trần Phương, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Phần mềm FPT. Cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 10 năm.
Về kết quả kinh doanh, trong 8 tháng năm nay, FPT ghi nhận doanh thu đạt 39.664 tỷ đồng, lãi trước thuế đạt 7.077 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,8% và gần 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.029 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ 2023, trong đó lãi ròng đạt hơn 5.000 tỷ, tăng gần 23%.
Trong một động thái mới nhất, FPT Software và doanh nghiệp thuộc SK Group sẽ phát triển công nghệ hướng đến các ngành công nghiệp trọng điểm như ô tô, bán dẫn, năng lượng và pin.
Thanh khoản toàn thị trường tăng đáng kể và giao dịch vẫn tập trung ở nhóm ngân hàng. Phần lớn cổ phiếu ngân hàng tăng giá song mức tăng không mạnh. HDB tăng 1,5%, LPB tăng 1,5%, còn lại tăng dưới mức 1%.
Một số mã có nhịp độ giao dịch sôi động so với phần còn lại của thị trường là TPB với 22,8 triệu đơn vị khớp lệnh, VPB khớp 16 triệu cổ phiếu, MSB khớp 11,8 triệu cổ phiếu, TCB khớp 10,5 triệu cổ phiếu. Các cổ phiếu dịch vụ tài chính cũng hồi phục với VPG tăng 3,8%; EVF tăng 2,1%; SSI tăng 1,1%.
Cổ phiếu tài nguyên cơ bản bị chốt lời đồng loạt. HSG, HPG, NKG giảm giá, song mức điều chỉnh không lớn.
Phân hóa nhẹ diễn ra tại nhóm ngành bất động sản. Nhóm Vingroup điều chỉnh với VIC, VHM giảm 0,2%. Nhiều mã giảm giá như LDG, SXG, PDR, SZC, HPX, HDC, DXS… trong khi phía tăng có LHG tăng 2,1%; QCG tăng 1,9%; NTL tăng 1%.