Cổ phiếu ngân hàng lên sàn đón sóng

Trường Thịnh Kha Linh

(Dân trí) - Thời gian gần đây cổ phiếu ngân hàng bất ngờ sôi động nhờ hàng loạt thông tin về niêm yết, chuyển sàn, tăng vốn. Việc thị trường cổ phiếu nhộn nhịp trở lại cũng khiến nhiều ngân hàng đẩy nhanh tiến độ niêm yết nhằm kịp đón sóng.

Dồn dập lên sàn

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank-  mã chứng khoán NAB) vừa được Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX ) thông báo về việc giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM.

Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết hơn 389 triệu cổ phiếu của Nam A Bank đã đăng ký tại VSD, với mã chứng khoán là NAB. Giá trị chứng khoán đăng ký tương đương hơn 3.890 tỉ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng lên sàn đón sóng - 1

Khách hàng trải nghiệm công nghệ tại Nam A Bank

Không chỉ Nam A Bank gần đây thị trường chứng khoán cũng dồn dập các thông tin chuyển sàn, niêm yết.

Ngân hàng Hàng Hải (MSB) sau khi rút hồ sơ niêm yết hồi tháng 5 mới đây đã nộp hồ sơ niêm yết lên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), mã chứng khoán LPB cũng vừa được HoSE chấp thuận nguyên tắc niêm yết cổ phiếu và đang ráo riết chuẩn bị cho việc niêm yết trên sàn chính thức trong những tháng cuối năm nay, trước thời điểm  có hiệu lực.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng được cổ đông thông qua việc niêm yết trên sàn HoSE trong năm nay.

Tăng tính thanh khoản, nâng cao vị thế

Có nhiều lý do khiến các ngân hàng dồn dập lên sàn thời điểm này. Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết việc đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM của Nam A Bank nhằm tăng tính minh bạch và tuân thủ quy định tại Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" do Thủ tướng phê duyệt. Việc niêm yết trên sàn UPCoM cũng giúp cổ phiếu NAB tăng tính thanh khoản, nâng cao vị thế trên thị trường, đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông.

Ngoài việc lên sàn UPCoM, Nam A Bank đang hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc tăng vốn điều lệ đợt 2 từ mức hơn 3.890 tỉ đồng lên mức hơn 4.564 tỉ đồng, tương ứng tăng thêm hơn 67,4 triệu cổ phiếu thông qua chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Song song đó, trong những tháng cuối năm nay Nam A Bank cũng sẽ tăng vốn điều lệ lên gần 7.000 tỉ đồng thông qua hai phương án là phát hành 57 triệu cổ phần (tương đương 570 tỉ đồng) để chi trả cổ tức với tỉ lệ 12,4878% và thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ 143 triệu cổ phần (tương đương 1.430 tỉ đồng).

Quá trình tăng vốn điều lệ từ khi thành lập đến nay của Nam A Bank

Đvt: Tỷ đồng

Cổ phiếu ngân hàng lên sàn đón sóng - 2
Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến các ngân hàng chọn thời điểm hiện nay để lên sàn.

Cổ phiếu ngân hàng đang nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nhờ thông tin chuyển sàn, tăng vốn và phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược. Thời gian gần đây giá cổ phiếu ngân hàng cũng tăng khá nhanh, giao dịch sôi động. Do vậy lên sàn thời điểm này các ngân hàng sẽ hưởng được không khí tích cực từ thị trường. Việc lên sàn cũng giúp cổ phiếu ngân hàng được định giá lại và tiếp cận nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Về phía các nhà đầu tư, việc các ngân hàng liên tục lên sàn trong những tháng cuối năm sẽ là thông tin rất tích cực cho nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu. Trên thực tế có nhiều cổ phiếu ngân hàng trong nhóm cổ phiếu được săn đón nhưng nhiều tổ chức và các quỹ lớn chưa đưa được vào danh mục đầu tư do chưa niêm yết chính thức. Do vậy việc lên sàn sẽ giúp đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông.

Ngày 9-10, Nam A Bank sẽ chính thức khai trương giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM.

Ngày 9-10 tới, tại Hà Nội, Nam A Bank sẽ chính thức khai trương giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM. Như vậy, nếu tính cả tân binh LienVietPostBank và Nam A Bank, tới đây toàn thị trường sẽ có 11 ngân hàng niêm yết chính thức, gồm VCB, CTG, BID, MBB, EIB, STB, TCB, HDB, TPB, VPB. 3 ngân hàng trên HNX là ACB, SHB, NVB và LienVietPostBank.

6 ngân hàng giao dịch trên UPCoM, với mã giao dịch LPB, VIB, VBB, BAB, KLB và NAB.