Cổ phần hoá, thoái vốn DNNN: Còn 65.000 tỷ đồng chờ chuyển về ngân sách
(Dân trí) - Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, từ năm 2016 đến quý II/2019, đã chuyển 185.000 tỷ đồng, còn phải chuyển 65.000 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp vào ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội.
Báo cáo về kết quả cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, tại cuộc họp báo chiều ngày 5/8, Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết quý II/2019, có 6 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Tuy nhiên trong đó chỉ có 1 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN.
Lũy kế đến hết quý II/2019, đã có 35/127 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra, số lượng doanh nghiệp còn phải cổ phần hóa là 92/127 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch.
Về tình hình thoái vốn, theo báo cáo của Bộ Tài chính, luỹ kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến hết quý II/2019 thoái 24.157 tỷ đồng, thu về 169.787 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính đã chuyển 30.000 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp vào ngân sách Nhà nước (NSNN), số còn phải chuyển về NSNN trong năm 2019 là 20.000 tỷ đồng.
Từ năm 2016 đến quý II/2019, đã chuyển 185.000 tỷ đồng, còn phải chuyển 65.000 tỷ đồng từ Quỹ vào NSNN theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội.
Ngày 15/8/2017, Bộ Tài chính đã công khai danh sách 747 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đến hết quý II/2019, theo rà soát của Bộ Tài chính vẫn còn 622 doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã tiếp tục rà soát, bổ sung 158 doanh nghiệp vào danh sách các doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Như vậy, đến nay còn 780 doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Về việc bàn giao các doanh nghiệp có vốn nhà nước về SCIC, trong 06 tháng đầu năm 2019, có 2 doanh nghiệp bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC (Công ty cổ phần phát triển văn hóa du lịch Vũng Tàu với số vốn nhà nước là 751 triệu đồng, Tổng công ty Thép Việt Nam với số vốn nhà nước là 6.368 tỷ dồng). Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 29 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 630 tỷ đồng.
Nhìn nhận một số hạn chế, Bộ Tài chính cho biết, một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.
"Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước", Bộ Tài chính cho biết.
Theo Bộ Tài chính, quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.
Trong khi đó, tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa.
Một hạn chế nữa cũng được cơ quan quản lý nêu là nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.
Phương Dung