Cổ phần hoá DNNN ì ạch: Truy lý do lãnh đạo “tròn vo”, xin ý kiến quanh
(Dân trí) - Đánh giá việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra chặt chẽ, minh bạch nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sốt ruột vì tiến độ công việc rất chậm khi chỉ đạt 27,5% kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016- 2020.
Ngày 8/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp chủ trì phiên họp đánh giá nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2019 của Ban chỉ đạo. Tham dự phiên họp là lãnh đạo các bộ, ngành, hai địa phương lớn là Hà Nội, TPHCM và lãnh đạo của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.
Phó Trưởng Ban chỉ đạo Nguyễn Hồng Long cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, các bộ, ngành và địa phương đã bán cổ phần lần đầu (IPO) 5 doanh nghiệp và 1 đơn vị sự nghiệp thu về 562,707 tỷ đồng.
Lũy kế từ 2016 đến nay, cả nước cổ phần hóa 162 doanh nghiệp, đạt 27,5% kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2016- 2020, với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 205.433,20 tỷ đồng, bằng 108 % tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa cả giai đoạn 2011-2015 (189.509 tỷ đồng).
Ngoài ra, các bộ, địa phương cũng phê duyệt phương án cổ phần hóa 4 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp công lập, có 2 doanh nghiệp thuộc danh sách cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN phê duyệt danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hoá theo từng năm trong giai đoạn 2017- 2020. Trong đó, tổng giá trị doanh nghiệp là 680,86 đồng, giá trị vốn nhà nước là 615,29 tỷ đồng. Theo phương án được phê duyệt, vốn điều lệ của 06 đơn vị này là 334,66 tỷ đồng, trong đó bình quân: Nhà nước nắm giữ 41,77 % tổng vốn điều lệ, bán cho người lao động 8,47% tổng vốn điều lệ, bán cho các nhà đầu tư ngoài doanh nghiệp 49,75% tổng vốn điều lệ.
Các báo cáo cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước đã thoái vốn tại 30 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 2.769,711 tỷ đồng, thu về 4.938,984 tỷ đồng (gấp 1,78 lần giá trị sổ sách). Lũy kế từ 2016 đến nay, đã thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị với giá trị sổ sách 4.801,432 tỷ đồng, thu về 9.115,042 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn 6 tháng đầu năm 2019 là 5.501,691 tỷ đồng Lũy kế từ năm 2016 đến nay, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt hơn 218.255,691 tỷ đồng, gấp 2,8 lần tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của cả giai đoạn 2011-2015 (khoảng 78.000 tỷ đồng).
Trong 6 tháng đầu năm 2019, các cơ quan đã chuyển 30.000 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp nhà nước vào NSNN để phục vụ đầu tư công trung hạn. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, đã chuyển 185.000/250.000 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước, đạt 74 % kế hoạch của cả giai đoạn 2016-2020, đồng thời bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội giao.
Về tình hình phát triển doanh nghiệp nói chung, ông Nguyễn Hồng Long cho biết, cả nước thành lập mới 66.958 doanh nghiệp, tăng 3,8%, với số vốn đăng ký thành lập mới là 860.195 tỷ đồng, tăng 32,5% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 12,8 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2018. Số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt mức cao nhất so với 6 tháng đầu năm cả giai đoạn 2015-2019.
Từ 2016, chưa phát hiện sai phạm nghiêm trọng trong cổ phần hoá
Đánh giá về các kết quả đạt được trong 6 tháng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, dù công tác cổ phần hoá, thoái vốn đã có nhiều thay đổi tích cực về chất nhưng cổ phần hoá vẫn rất chậm.
Cụ thể, cả nước mới hoàn thành cổ phần hoá 35 DNNN trong danh mục của QĐ số 991/TTg-ĐMDN (gồm 127 doanh nghiệp), trong đó riêng Hà Nội còn 13 DNNN và TPHCM là 36 DNNN chưa được cổ phần hoá.
Tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng chậm so với kế hoạch đề ra từng năm khi QĐ số 1233/QĐ-TTg yêu cầu cả nước phải hoàn thành thoái vốn tại 405 doanh nghiệp từ 2016- 2020 nhưng tới nay chỉ được 88 DNNN (chiếm 21,8%).
Ngoài ra một số bộ, ngành địa phương gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện xác định giá trị sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp. Việc chuyển giao quyền sở hữu nhà nước sang SCIC và niêm yết trên sàn chứng khoán sau IPO còn ít (hiện còn 796 DNNN chưa niêm yết).
Trưởng Ban chỉ đạo cũng lo lắng về công tác phát triển doanh nghiệp khi mới có 737.000 doanh nghiệp, và mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020 là khó khi chưa có giải pháp hữu hiệu khuyến khích hộ kinh doanh nhỏ lẻ thành lập doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận thực tế, nhiều DNNN có quy mô lớn, sở hữu đất đai ở nhiều tỉnh, thành như Vinafood1, VNPT, Agribank nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp... mất nhiều thời gian.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng cho rằng Nhà nước đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ hơn trong cổ phần hoá, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch nên thời gian thực hiện cũng lâu hơn. Ví dụ việc đề nghị Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán doanh nghiệp có quy mô vốn nhà nước từ 1.700 tỷ đồng trở lên cũng khiến quá trình cổ phần hoá kéo dài thêm từ 6- 12 tháng.
Không chỉ vậy, Phó Thủ tướng cho rằng lãnh đạo các DNNN còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc nên thời gian triển khai chậm.
“Tinh thần cẩn trọng là đúng. Kết quả, từ năm 2016 tới nay chưa phát hiện sai phạm nghiêm trọng nào trong cổ phần hoá thoái vốn trong thời điểm này. Nhưng Thủ tướng và Chính phủ yêu cầu làm đúng nhưng phải nhanh, đúng mà chậm, ách tắc, trì trệ cũng không được. Yêu cầu đó dù khó nhưng buộc phải làm chứ không còn cách nào khác. Cứ tròn vo, đẩy công văn xin ý kiến vòng quanh là không được”, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu.
Từ nay tới hết năm 2019, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan tới cổ phần hoá, thoái vốn trong đó tiếp tục rà soát toàn diện các văn bản pháp luật liên quan để ban hành hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn theo thẩm quyền, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
P.T