Cổ phần hoá mạng di động: “Rào cản” định giá tài sản!
“Hứa hẹn” mãi, hai mạng di động của VNPT là MobiFone và VinaPhone vẫn chưa hoàn thành công tác cổ phần hóa (CPH). Nguyên nhân chính của việc chậm tiến trình CPH là vướng mắc trong lĩnh vực định giá tài sản, đặc biệt là tài sản vô hình.
Một loạt các biện pháp đã được đề ra và gần đây nhất, là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ về công tác CPH mạng MobiFone.
Chọn tư vấn nước ngoài
Việc cổ phần hóa VinaPhone và MobiFone chưa được thực hiện theo đúng tiến độ Chính phủ chỉ đạo. Trong khi, việc CPH cần được tiến hành càng sớm càng tốt, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO.
Vào tháng 5 năm nay, MobiFone đã trình lên Chính phủ phương án CPH mạng di động 090. Tiếp sau đó, mới đây, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ đạo: Bộ Bưu chính - viễn thông mời thêm đại diện các bộ Tài chính, Kế hoạch - đầu tư và Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tham gia ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty Thông tin di động VMS - đơn vị chủ quản mạng MobiFone.
Ban này sẽ chọn tổ chức tư vấn nước ngoài có đủ năng lực và kinh nghiệm để tư vấn xác định giá trị công ty và quyết định giá trị công ty sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính; xây dựng tiêu chí, lựa chọn đối tác và chọn thời điểm phù hợp để bán cổ phần cho đối tác chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài theo nguyên tắc giá bán không thấp hơn giá thị trường.
Hoàn thành việc định giá tài sản mạng di động này, việc cổ phần hóa ở MobiFone sẽ được thực hiện bằng việc đấu giá cổ phần, dự kiến, diễn ra vào giữa năm 2007. Cùng thực hiện công tác này, lãnh đạo công ty VinaPhone lại khẳng định rằng: VinaPhone sẽ theo sát, thực hiện CPH sau mạng 090. Cũng theo VinaPhone, thời điểm bán cổ phần của VinaPhone “sẽ không sớm hơn năm 2008”.
Trong khi, mạng di động thứ ba là Viettel Mobile cũng đã nhận được công văn của Chính phủ chấp nhận kế hoạch sẽ sớm cổ phần hóa một phần. Dự kiến, phía quân đội sẽ giữ 51% cổ phần khống chế Viettel.
Dưới góc độ nhà quản lý, trả lời về tiến độ triển khai công tác CPH các mạng di động, ông Trần Đức Lai - Thứ trưởng Bộ BCVT cũng nhấn mạnh rằng, “Bộ BCVT quyết tâm trong năm nay, sẽ xây dựng xong đề án CPH để đầu năm 2007, có thể bán cổ phần bước 1 đối với mạng MobiFone!”
Bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài
Theo quyết định của Chính phủ, mạng MobiFone cũng là một trong số 75 công ty nhà nước sẽ bán đấu giá trên thị trường chứng khoán. Nhận xét về ưu thế của doanh nghiệp mình khi thực hiện CPH, ông Lê Ngọc Minh - Giám đốc công ty VMS cho biết:
“Trước đây, VMS là một trong những công ty đầu tiên tiến hành hợp tác quốc tế trong kinh doanh, khi Việt Nam mới mở cửa thị trường. Thứ hai, VMS được tiến hành cổ phần sớm trên lĩnh vực viễn thông di động ở Việt Nam. Chắc chắn, cổ phần hoá sẽ làm cho hoạt động kinh doanh của công ty linh hoạt hơn rất nhiều. Quyền chủ động trong kinh doanh của VMS cũng sẽ tăng lên”.
Cũng theo ông Minh, trong 10 năm qua, đầu tư trực tiếp của Comvik vào mạng lưới Mobifone ước tính khoảng 210 triệu USD. Sau khi CPH, VMS sẽ tiếp tục thu hút được khoản đầu tư lớn từ các đối tác trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tập đoàn VNPT, “vướng mắc lớn nhất của công tác CPH hai mạng VinaPhone, MobiFone hiện nay, là việc định giá tài sản. Do đó, VMS sẽ phải thuê các chuyên gia tư vấn quốc tế. Chúng ta không có kinh nghiệm nhiều trong việc này. Không thể đánh giá theo chủ quan được, mà phải có cái nhìn tổng thể, đặc biệt là trên thị trường quốc tế.
Với VinaPhone, MobiFone, không chỉ là tài sản mạng lưới hiện nay, mà còn là thương hiệu, tiềm lực kinh doanh, khả năng phát triển trong và ngoài nước”.
Về phía Bộ chủ quản, Thứ trưởng Trần Đức Lai cũng nhận định về vấn đề này như sau:
“Đối với các mạng di động, tài sản vô hình như vấn đề thương quyền, tần số (tài nguyên thông tin), khả năng mở rộng thị trường... là các yếu tố rất khó để định giá tài sản.
Nếu định giá lớn hơn so với thực chất sẽ ảnh hưởng xấu đến tiến độ cổ phần hóa của doanh nghiệp, ngược lại, nếu định giá thấp sẽ làm giảm uy tín, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Hiện tại, Bộ BCVT đang báo cáo với Thủ tướng Chính phủ những nguyên tắc cơ bản để triển khai việc CPH các doanh nghiệp chủ quản mạng di động”.
Dư luận cũng như các nhà đầu tư nước ngoài đang trông ngóng và sốt ruột theo dõi quá trình CPH của các doanh nghiệp viễn thông. Khi chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, chắc chắn các mạng di động sẽ là đích ngắm của đối tác trong nước và quốc tế!
Ông Jean Pierre Achouche, Giám đốc France Telecom tại Việt Nam nhận xét:
“Chúng tôi mong muốn được tham gia vào quá trình cổ phần hoá ở Việt Nam và cũng muốn chia sẻ với các đối tác Việt Nam tầm quan trọng của việc lựa chọn đối tác chiến lược.
Hiện nay, nhiều người lo ngại về vấn đề định giá các doanh nghiệp viễn thông, nhất là giá trị vô hình. Tôi cho rằng khi định giá tài sản tài sản vô hình, trước hết cần cần phải phân tích các yếu tố như môi trường pháp lý, số lượng thuê bao, dải băng tần được cấp, khả năng phát triển của thị trường... Giá trị vô hình của doanh nghiệp còn liên quan đến doanh thu của doanh nghiệp sẽ đạt được trong tương lai.
Tuy nhiên, hiện các mạng di động cần cổ phần hoá đã hoạt động và có thuê bao, vì vậy định giá giá trị vô hình của các mạng di động cũng không phải là vấn đề quá khó. Kinh nghiệm của thế giới là các mạng di động sẽ phát triển rất tốt sau khi được cổ phần hoá. Vì vậy, sau khi cổ phần hoá, các mạng di động Việt Nam sẽ có sự phát triển mạnh hơn hiện nay rất nhiều”. |
Theo Hoàng Hùng
VietNamnet