Cơ nghiệp của đại gia Dương Ngọc Minh: Tỷ phú USD rút vốn?

Mai Chi

(Dân trí) - Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương công bố đã bán toàn bộ cổ phần nắm giữ tại Hùng Vương. Trong khi đó HVG của đại gia Dương Ngọc Minh lại đứng bên lề trong cơn sốt chứng khoán.

VN-Index sụt hơn 9 điểm, cổ phiếu thủy sản vẫn "lên hương"

Khi VN-Index đã lên cao, áp lực chốt lời là điều không tránh khỏi. Trong phiên 15/12, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận đánh mất 8,82 điểm tương ứng 0,83% còn 1055,27 điểm. Trước đó, chỉ số trải qua rung lắc dữ dội trong phiên giao dịch sáng.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index vẫn đạt trạng thái tăng 2,12 điểm tương ứng 1,28% lên 167,87 điểm; UPCoM-Index tăng 0,26 điểm tương ứng 0,37% lên 69,62 điểm.

Cơ nghiệp của đại gia Dương Ngọc Minh: Tỷ phú USD rút vốn? - 1
Cơ nghiệp của đại gia Dương Ngọc Minh: Tỷ phú USD rút vốn? - 2

Nhiều cổ phiếu lớn bị chốt lời khiến chỉ số chính VN-Index giảm mạnh

Cổ phiếu dòng thủy sản cũng tương đối khỏe và "miễn nhiễm" với tình trạng chốt lời ồ ạt. Cụ thể, những "ông lớn" như VHC vẫn đạt tăng 1.150 đồng tương ứng 2,5% lên 46.250 đồng; MPC tăng 2,3% lên 30.500 đồng; SEA tăng 0,7% lên 26.900 đồng; ANV tăng 1,1% lên 22.200 đồng; FMC tăng 2,4% lên 36.550 đồng; CMX tăng 5,1% lên 16.550 đồng.

Bên cạnh đó, SSN cũng tăng 2% lên 5.200 đồng; AAM tăng 0,5% lên 10.850 đồng; SPD tăng 3,3% lên 9.300 đồng; ICF tăng 6,3% lên 1.700 đồng.

Cổ phiếu HVG của Thủy sản Hùng Vương không thể tham gia "cuộc đua" này do chỉ được giao dịch vào thứ Sáu. Mã này bị hạn chế giao dịch trên UPCoM kể từ ngày 13/8. Trước đó, ngày 5/8, hơn 227 triệu cổ phiếu HVG tương đương tổng giá trị hơn 2.270 tỷ đồng đã bị hủy niêm yết bắt buộc trên HSX để chuyển sang giao dịch trên UPCoM.

Nguyên nhân hủy niêm yết là Công ty của đại gia Dương Ngọc Minh đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà HSX, hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết hủy niêm yết nhằm bảo vệ nhà đầu tư.

Trong một động thái mới nhất, Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) thông báo đã bán toàn bộ 31,36 triệu cổ phiếu HVG tương đương với tỷ lệ 13,81% vốn điều lệ Thủy sản Hùng Vương.

Giao dịch được thực hiện trong hai ngày 4/12 và 11/12. Trong hai phiên giao dịch này, cổ phiếu HVG có các giao dịch thỏa thuận đúng 31,36 triệu đơn vị tại mức giá 5.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị chuyển nhượng là hơn 166 tỷ đồng.

Trước đó vào 20/11, Thaco cũng được cho là đã bán 28,3 triệu cổ phiếu HVG cho ông Nguyễn Phúc Thịnh. Như vậy tổng lượng bán ra của Thaco gần đây là hơn 59,6 triệu cổ phiếu HVG, chiếm tỷ lệ 26,25% vốn Hùng Vương.

Ông Nguyễn Phúc Thịnh sinh năm 1975 có trình độ Tiến sĩ Quản trị kinh doanh. Ông Thịnh là thành viên Hội đồng quản trị Thaco giai đoạn 2007-2013 và đang là Trưởng Ban kiểm soát Thaco. Vào tháng 17/2 vừa qua, ông Thịnh được bầu làm thành viên Hội đồng quản trị Thủy sản Hùng Vương. Sau khi mua 28,3 triệu cổ phiếu HVG, "tướng" của tỷ phú Trần Bá Dương cũng đã đăng ký mua tiếp 28,3 triệu cổ phiếu khác từ 27/11 đến 25/12.

Cơ nghiệp của đại gia Dương Ngọc Minh: Tỷ phú USD rút vốn? - 3

Thông báo dồn dập từ Hùng Vương về giao dịch của Thaco và ông Nguyễn Phúc Thịnh

Thanh khoản kỷ lục, cổ phiếu bầu Đức khớp mạnh nhất thị trường

Độ rộng thị trường chứng khoán phiên hôm qua nghiêng nhẹ về phía các mã giảm giá với 435 mã giảm, 24 mã giảm sàn so với 390 mã tăng, 61 mã tăng trần.

Như vậy, mức chênh lệch số lượng mã giảm so với mã tăng không đáng kể. VN-Index điều chỉnh chủ yếu do áp lực từ hoạt động chốt lời các mã bluechips. Dễ thấy điều này qua mức giảm của chỉ số VN30-Index là 11,26 điểm tương ứng 1,1% (biên độ giảm sâu hơn so với VN-Index).

Trong rổ VN30, có tới 24 mã giảm giá và chỉ có 3 mã tăng, 3 mã đứng tham chiếu. Một số mã có mức giảm khá mạnh là SAB giảm 2,5%; KDH giảm 2,1%; POW giảm 2,1%; VCB giảm 2,1%; VPB giảm 2,1%; VNM giảm 1,9%; GAS giảm 1,8%; HPG giảm 1,7%; VIC giảm 1,7%; MBB giảm 1,6%; VJC giảm 1,6%; CTG giảm 1,1%...

Ngược lại, ba mã vẫn giữ được đà tăng khỏe là VRE, SSI và NVL. Riêng SSI tăng 1,4% lên 25.500 đồng, NVL tăng 1,7% lên 65.500 đồng.

Ngành đầu tư xây dựng chưa giảm sức "nóng". LGC của Công ty cổ phần Đầu tư Cầu đường CII tăng trần lên 67.100 đồng còn CII cũng tăng 2,7% lên 19.250 đồng. ASM của Tập đoàn Sao Mai tăng 1,8% lên 13.950 đồng; HUT tăng trần lên 3.000 đồng.

Đồng thời, các mã còn lại trong nhóm ngành này như VCP cũng tăng 0,4% lên 50.900 đồng;  CTX tăng 1,4% lên 7.100 đồng; VNE tăng trần lên 5.150 đồng; CSC tăng 0,5% lên 21.000 đồng; LHC tăng 0,5% lên 44.500 đồng; BCE tăng trần lên 9.100 đồng; VSI tăng 2,1% lên 17.050 đồng; PTC tăng trần lên 9.040 đồng; LUT tăng trần lên 4.200 đồng.

Phiên hôm qua, một số cổ phiếu nhóm các công ty chứng khoán vẫn diễn biến khá tích cực. VND tiếp tục tăng thêm 1.100 đồng tương ứng 5% lên 22.900 đồng; APG tăng 2,2% lên 10.150 đồng; APS tăng kịch trần lên 4.000 đồng; VIG cũng tăng trần lên 1.300 đồng.

HBS tăng trần lên 3.400 đồng; TVB tăng 4,1% lên 12.700 đồng; IVS tăng 1,7% lên 6.000 đồng; SBS tăng trần 13,6% lên 2.500 đồng.

Cổ phiếu chứng khoán đang hưởng lợi nhờ thanh khoản mở rộng. Dòng tiền đổ mạnh vào thị trường chứng, giao dịch sôi động và nhờ vậy thu nhập của các công ty chứng khoán cũng sẽ gia tăng, chưa kể, thị trường liên tục phá đỉnh với nhiều cơ hội kiếm lợi nhuận sẽ hỗ trợ đáng kể cho khối tự doanh của các công ty chứng khoán.

Hôm qua đánh dấu một kỷ lục về thanh khoản. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn HSX lên tới 675,18 triệu cổ phiếu và đẩy giá trị giao dịch ở sàn này lên con số 13.552,63 tỷ đồng. Trong số này, giá trị khớp lệnh đạt 12.170,6 tỷ đồng và giá trị thỏa thuận là 978,9 tỷ đồng.

Cơ nghiệp của đại gia Dương Ngọc Minh: Tỷ phú USD rút vốn? - 4

Cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai có thanh khoản "khủng" nhất thị trường

HAG của Hoàng Anh Gia Lai là mã có giao dịch mạnh nhất toàn thị trường trong phiên hôm qua. Cùng với mức tăng giá lên 4.950 đồng, HAG được khớp lệnh lên tới trên 30 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, LDG, HUT cũng khớp lần lượt 24,6 triệu và 20,49 triệu đơn vị; cả hai mã đều tăng trần.