Có nên bán cây sưa "hàng ngàn tỷ" trên đường phố?

Trên các tuyến phố ở Hà Nội hiện có hơn 1.400 cây sưa. Việc bảo vệ khó khăn, nhiều cây bị cưa trộm và tiếp tục kích thích lòng tham. Vậy có nên đặt vấn đề bán các cây ngoài đường phố để thu về khoản kinh phí có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng?

Canh giữ ngày đêm, mặc “giáp” sắt cho sưa

Theo số liệu công bố của Cty Công viên cây xanh Hà Nội, toàn địa bàn thành phố hiện có khoảng 1.400 cây sưa, trong đó có gần 600 cây sưa đỏ - thường gọi Trắc thối hay Huê mộc vàng là một loài cây quý hiếm. Gỗ sưa có giá trị lớn, được thương lái lùng mua ráo riết. Bởi thế, những cây sưa lâu năm trồng rải rác ở trên các con phố Thủ đô trở thành mục tiêu săn lùng của “sưa tặc”.

Tháng 7/2018, một cây sưa đỏ có chiều cao gần 4m, rộng trên 23cm trên vỉa hè phố Phan Kế Bính (phường Cống Vị, quận Ba Đình) bị kẻ gian cắt trộm. Do phần trên của cây sưa bị vướng vào cột, dây điện nên kẻ gian chỉ lấy được phần gốc lên đến giữa thân cây. Tháng 8/2018, Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Trật tự xã hội (PC45) Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an quận Hà Đông bắt giữ 6 đối tượng liên quan đến việc trộm cây sưa tại Trường Đoàn Kết (phường Quang Trung, quận Hà Đông).

Tháng 11/2018, dù nằm trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Cầu Giấy), được bảo vệ chặt chẽ, nhưng hai cây sưa có đường kính khoảng 40 - 50cm vẫn bị trộm chặt hạ đem đi. Thậm chí, có vụ việc cán bộ tổ dân phố lấy lý do giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình mới để “bứng” cây sưa.

caysua.jpg

Hiện tại, các cơ quan chức năng rất kỳ công để bảo vệ số lượng sưa này. Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó tổng GĐ Cty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: Số cây sưa này được trồng rải rác trên địa bàn toàn thành phố. Cty phải cắt cử, tăng cường người ở các địa bàn thường xuyên tuần đường, kiểm tra. Đồng thời, Cty phối hợp với chính quyền địa phương các cấp để bảo vệ nhưng hoàn toàn không có kinh phí chi cho việc này.

Ông Nguyễn Thế Hà, nhân viên bảo vệ KTX Mễ Trì (Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân) cho biết: Trong khuôn viên KTX có 9 cây sưa trắng có tuổi đời gần 50 năm, được bảo vệ rất nghiêm ngặt. “Cứ 23h00 hàng ngày, công an phường cử người đến kiểm tra số lượng và ký nhận hiện trạng từng cây. Nếu xảy ra mất mát thì chúng tôi sẽ phải chịu trách nhiệm” - ông Hà nói.

Còn ông Nguyễn Văn Dũng (nhà ở phố Giảng Võ, quận Ba Đình) có cây sưa đỏ trước nhà có đường kính 40cm, 20 năm tuổi cho hay, để chống kẻ xấu cưa trộm, gia đình hàn lồng sắt vây quanh. “Trong quá khứ, cây suýt bị cưa trộm nên gia đình quyết định làm lồng bảo vệ. Cây do chúng tôi trồng và giờ giao lại cho nhà nước quản lý. Mất hơn 1 triệu đồng làm khung, nhìn có vẻ mất thẩm mỹ, nhưng an toàn” - ông Dũng chia sẻ.

“Cây thành phẩm nên bán”

Những ngày qua, dư luận quan tâm đến việc TP Hà Nội triển khai bán cây sưa hàng trăm tỷ tại đình làng thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, Chương Mỹ). Nhiều ý kiến cho rằng, có thể vận dụng, xây dựng quy trình bán các cây sưa trên đường phố để thu về hàng trăm tỷ đồng, thậm chí cả ngàn tỷ đồng để chỉnh trang đô thị, trồng thêm các loại cây mới.

Đây cũng là biện pháp nhằm ngăn kích thích lòng tham, dẫn đến nhiều vụ chặt trộm, cắt tỉa cây sưa để trục lợi. Còn số lượng sưa trong di tích, bảo tàng, công viên, công sở sẽ được bảo vệ để người dân có cơ hội chiêm ngưỡng, tìm hiểu. Về pháp lý, chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, dù là loại cây quý, nhưng cây sưa được trồng như làng Phụ Chính hay các nơi khác, không phải cây trong rừng vẫn được bán một cách hợp pháp.

Phó Tổng GĐ Cty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Đức Mạnh cho biết, lãnh đạo Cty cũng chưa nghĩ đến việc này. “Hiện nay, Cty chỉ phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện cắt tỉa những cành nhỏ không có lõi, còn cành to thì “không dám” cắt” - ông Mạnh nói. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, ở các vị trí có thể bảo vệ, không nên chặt bán. Ông Nguyễn Thế Hà, nhân viên bảo vệ KTX Mễ Trì cho rằng: “Hàng năm, cứ mỗi mùa hoa sưa nở có nhiều cựu sinh viên đến đây để hoài niệm quá khứ. Sẽ có nhiều người tiếc nếu những cây sưa này không còn. Biết bảo vệ vất vả, song chúng tôi chấp nhận để lưu giữ lại số lượng cây quý này” - ông Hà chia sẻ.

 

Tuy nhiên, nhiều người cũng đồng tình quan điểm nên bán các cây ở đường phố. Bà Nguyễn Thị Minh (trú tại phường Trúc Bạch, Tây Hồ) nêu quan điểm: Nếu khó khăn trong việc quản lý thì cũng nên đấu giá để có nguồn thu, trồng mới những loại cây mới thay thế. Có nhiều cơ quan bảo vệ, nhưng đêm hôm, mưa bão rất khó để ngăn chặn kẻ xấu.

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: Nên phân loại cây sưa thành hai dạng là cây sưa cổ thụ và cây sưa trồng mấy chục năm. Về văn hóa, nếu là cây sưa cổ thụ, trong các di tích, công viên, vườn bách thảo thì cần được bảo tồn, như cây sưa ở đình làng thôn Phụ Chính được trả cả “trăm tỷ” là cây di sản thì cần cố gắng bảo vệ để người dân thưởng ngoạn. Còn về mặt kinh tế, những cây sưa được trồng lên, chưa thành cây cổ thụ như ở đường phố thì nên bán đi lấy nguồn thu, rồi trồng thay cây khác vào.

“Nếu chúng ta bán những cây sưa này cũng cần coi như nguồn gen quý cần có biện pháp duy trì, chứ không có nghĩa bán xong là không trồng nữa. Cây đến tuổi đã thành phẩm, có giá thì ta nên bán, phát triển như một nguồn nguyên liệu, một tài sản của cá nhân, tập thể, nông lâm trường, của cả cộng đồng. Tuy nhiên, sau khi bán cũng nên trồng tiếp để bảo vệ nguồn gen quý của cây này” - PGS Đức nêu ý kiến.

Theo Long Vân - Võ Hoá
Tiền Phong

bannerchan-bai.gif