1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Có hay không chuyện nấu vàng miếng SJC để sản xuất vàng nhẫn, nữ trang?

Hoàng Dung

(Dân trí) - Một số chuyên gia cho rằng, thông tin các doanh nghiệp nấu vàng SJC để sản xuất nhẫn, nữ trang chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, không gây ảnh hưởng đến lượng vàng lưu thông trên thị trường.

Tại buổi họp giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng về công tác quản lý thị trường vàng diễn ra mới đây, bà Lê Thúy Hằng - Tổng giám đốc Công ty SJC - cho biết số lượng vàng miếng trên thị trường còn rất ít. Bởi có những thời điểm, giá vàng nguyên liệu và giá vàng SJC thấp hơn hoặc bằng nên các doanh nghiệp kinh doanh sử dụng vàng miếng của SJC để sản xuất vàng nhẫn và nữ trang.

Đặc biệt, năm 2019, thị trường vàng xuất đi nước ngoài rất nhiều nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít. Nguồn cung hiện tại không có trong khi nhu cầu thị trường có, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với vàng thế giới.

Vàng SJC còn ít trên thị trường?

Ngay sau khi thông tin được đưa ra, nhiều người không đồng tình vì giá vàng miếng SJC trong 10 năm gần đây luôn cao hơn thế giới nên việc nấu vàng miếng để sản xuất nhẫn và nữ trang nếu có thì rất ít, không phổ biến.

Hiện giá vàng nhẫn, trang sức không vênh quá cao so với giá vàng thế giới, chỉ đắt hơn vàng thế giới khoảng 3 - 4 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng SJC lại cao hơn thế giới tới 18,14 triệu đồng/lượng.

Có hay không chuyện nấu vàng miếng SJC để sản xuất vàng nhẫn, nữ trang? - 1

Khoảng cách giữa giá vàng trong nước ngày càng xa (Ảnh: Mạnh Quân).

Trao đổi với Dân trí, một chuyên gia trong ngành vàng xác nhận, có thời điểm trong năm 2019, giá vàng trong nước thấp hơn thế giới nên doanh nghiệp đã nấu vàng miếng SJC để sản xuất nhẫn, nữ trang để xuất khẩu nhưng không quá nhiều. Thời gian trên khá ngắn, chỉ diễn ra trong 1 - 2 tháng.

Đồng thời, ông này cho rằng, thông tin năm 2019 thị trường vàng xuất đi nước ngoài nhiều nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn ít là không chính xác. Vì lượng vàng miếng SJC lưu thông trên thị trường trong 10 năm qua vẫn duy trì ở mức khoảng 20 triệu lượng (hơn 500 tấn).

"Giả sử có xuất hết 20 triệu lượng vàng thì xuất đi đâu. Vì với lượng vàng xuất đi lớn như vậy thì các con số xuất khẩu phải thể hiện rõ. Do đó, thông tin vàng xuất đi nước ngoài nhiều nên lượng vàng SJC còn ít là không chính xác. Nếu có thì phải nêu ra con số cụ thể là bao nhiêu", vị chuyên gia đặt câu hỏi.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, lượng vàng ở trong dân có nhiều nhưng hầu như ít ai muốn bán ra vì "vàng miếng SJC như món đồ cổ". Nguyên nhân đến từ việc nguồn cung vàng không đổi trong thời gian dài nên giá vàng càng lên cao.

Vì sao giá vàng SJC ngày càng cao?

Một số chuyên gia cho rằng, sự chênh lệch giá cao giữa vàng miếng và vàng nhẫn có nhiều lý do. Còn nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước liên tục vênh cao so với thế giới do thị trường vàng ở Việt Nam không liên thông với thị trường vàng thế giới. 

Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012 quy định: Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng.

Có hay không chuyện nấu vàng miếng SJC để sản xuất vàng nhẫn, nữ trang? - 2

Mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới trong những ngày gần đây (Biểu đồ: An Chi).

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ nhận định, PNJ, Doji, SJC là 3 đơn vị kinh doanh vàng lớn ở Việt Nam hiện nay nhưng lại không làm chủ được nguồn cung vì họ thu mua được bao nhiêu thì bán ra bằng đó.

Kể từ khi Nghị định 24 được ban hành, các doanh nghiệp không được chủ động gia công vàng miếng. Điều này dẫn đến tình trạng giá vàng miếng SJC luôn cao hơn giá thế giới do cung - cầu bất cân xứng.

Thời điểm ban hành Nghị định 24, vàng SJC được giao dịch trong khoảng 43 triệu đồng/lượng. Sau 10 năm thực thi Nghị định này thì giá vàng SJC tăng vọt lên 68 triệu đồng/lượng, có thời điểm còn cán mốc 74 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (2/8), các "nhà vàng" đưa ra mức giá mua là 67,4 triệu đồng/lượng - mức giá khá cao. Nếu khách mua vàng từ đầu năm hay năm ngoái đều có lãi nhưng lượng bán ra ít. 

Ông Hải thông tin, trước khi Nghị định 24 được thực thi thì lượng vàng đã phát hành ra thị trường lên đến cả chục triệu lượng. Chưa kể, một số ngân hàng thương mại giai đoạn trước đây cũng phát hành vàng. Ông đặt câu hỏi "vàng đi đâu?". 

Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại Việt Nam tăng từ 12,6 tấn trong quý II/2021 lên 14 tấn trong quý II, tương đương tăng 11%. Trong đó, nhu cầu vàng thỏi và vàng đồng tăng 5% từ 9,1 tấn lên 9,6 tấn so với cùng kỳ năm ngoái, còn nhu cầu vàng trang sức tăng 28%, từ 3,5 tấn lên 4,5 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.