Có dự án ODA lãng phí 3,3 triệu USD
(Dân trí) - Kiểm toán Nhà nước cho biết, đây chính là dự án nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 và cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Duyên Hải.
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa gửi báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2016 đến Quốc hội. Kết quả kiểm toán cho thấy, ngoài các hạn chế sai sót trong quá trình đầu tư, công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT và các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn vốn khác còn bộc lộ nhược điểm, sai phạm, tùy tiện, lãng phí, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Năm 2016, giảm trừ trên 1.100 tỷ đồng chi phí đầu tư thực hiện
Cụ thể, đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, KTNN cho biết vẫn còn tình trạng chưa có tiêu chí lựa chọn dự án được đầu tư theo hình thức BOT. Hầu hết các dự án BOT áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư và chỉ định nhà thầu thi công mà không thực hiện đấu thầu.
Công tác xác định tổng mức đầu tư của dự án còn sai sót. Có dự án xác định tổng vốn đầu tư của dự án bao gồm cả phần thuế giá trị gia tăng được Nhà nước hoàn lại; xác định lưu lượng phương tiện giao thông không phù hợp với thực tế.
"Nhiều đơn vị dựa trên số liệu thống kê của tư vấn khảo sát trong 2 đến 3 ngày để suy ra lưu lượng phương tiện 365 ngày hoặc căn cứ kết quả khảo sát lưu lượng phương tiện của Tổng cục đường bộ Việt Nam đã cũ để nội suy", báo cáo của KTNN cho biết.
Công tác nghiệm thu, thanh toán tại nhiều dự án BOT còn sai sót. Bằng chứng là kết quả kiểm toán các dự án BOT trong năm 2016 đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện 1.150,5 tỷ đồng.
Việc góp vốn chủ sở hữu tại một số dự án BOT chưa đúng tỷ lệ cam kết; tiến độ thi công chưa đảm bảo; chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí để xác định lưu lượng phương tiện giao thông thực tế qua trạm thu phí. Khoảng cách một số trạm thu phí không đảm bảo quy định tối thiểu 70 km.
Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án được kiểm toán (năm 2016 là 21 dự án) so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm, trong đó dự án giảm nhiều nhất là 13 năm 1 tháng, 12 ngày.
Cụ thể, dự án công trình mở rộng QL1 đoạn Km 1488-Km1525, tỉnh Khánh Hòa giảm 13 năm 1 tháng 12 ngày; dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn Km1793+600 (Km734+600 QL14) đến Km1824+00 (Km1765+00 QL14), tỉnh Đắk Nông giảm 12 năm 3 tháng 22 ngày.
Một số dự án khác như dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu, quận 9 (Tổng công ty Xi măng Việt Nam) giảm 11 năm; dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường HCM (QL14) đoạn từ cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài (Km921+025-Km926+331 QL 14), tỉnh Bình Phước giảm 7 năm 9 tháng 21 ngày.
Dự án công trình cải tạo, nâng cấp QL19 đoạn Km17+027-Km50+00 trên địa phận tỉnh Bình Định và đoạn Km108+00-Km131+300 trên địa phận tỉnh Gia Lai giảm 7 năm 6 tháng 27 ngày. Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn Pleiku Km1610 đến cầu 110(Km1667+570), tỉnh Gia Lai giảm 7 năm 2 tháng 27 ngày. Dự án nâng cấp, mở rộng đường HCM (QL 14) đoạn Km 1738+148-Km1763+610, tỉnh Đắk Lắk giảm 6 năm 10 tháng 22 ngày. Dự án đầu tư xây dựng Cầu Cổ Chiên giảm 5 năm 24 ngày...
Có dự án ODA lãng phí 3,3 triệu USD
Ngoài ra, KTNN cũng chỉ ra những tồn tại đối với những dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT đó là giao dự án cho nhà đầu tư, chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng dự án không đúng quy định. Có trường hợp ký hợp đồng trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Hợp đồng BT chưa quy định cụ thể việc thanh toán khi nhà đầu tư nhận được tiền hoàn trả, cơ cấu vốn đầu tư trong hợp đồng không đảm bảo quy định. Xác định giá trị hợp đồng còn sai sót; có dự án không lập phương án tài chính.
Thậm chí có dự án nhà đầu tư tính chi phí lãi vay không phù hợp với quy định 24,4 triệu USD (tương đương 534,6 tỷ đồng). Công tác lập dự án, đền bù giải phóng mặt bằng, thiết kế - dự toán, nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành tại nhiều dự án còn nhiều sai sót; góp vốn chủ sở hữu không đạt yêu cầu...
Đối với những dự án sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn vốn khác, có dự án chưa bố trí đầy đủ, kịp thời theo cơ cấu vốn trong quyết định đầu tư được phê duyệt, đặc biệt là vốn đối ứng, vốn chủ sở hữu làm tăng chi phí đầu tư. Có dự án chưa chuyển đổi chủ thể hợp đồng vay khi chuyển đổi chủ đầu tư theo quy định làm tăng chi phí đầu tư; sử dụng vốn của dự án sai mục đích, không đúng đối tượng hoặc chưa phù hợp với điều khoản hợp đồng; vi phạm quy định của nhà tài trợ dẫn đến việc dừng cấp vốn gây lãng phí nguồn vốn đã đầu tư.
Cá biệt, có dự án vừa có bảo lãnh của Chính phủ, vừa phải mua bảo hiểm khoản vay với mức phí 5% (tính trên tổng nợ gốc và lãi phải trả) và việc thanh toán phí bảo hiểm được thực hiện 1 lần không theo quá trình giải ngân thực tế làm lãng phí phí bảo hiểm 3,3 triệu USD. Đây chính là dự án nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 và cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Duyên Hải. Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân của các dự án còn thấp; công tác ghi thu - ghi chi chưa kịp thời, số liệu ghi thu - ghi chi chưa chính xác...
Bích Diệp