1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cổ đông Eximbank đòi "truy trách nhiệm" Hội đồng Quản trị cũ

(Dân trí) - Kỳ đại hội lần này của Eximbank diễn ra "bình yên" và cổ đông khá "hiền" hơn so với sự căng thẳng của những lần đại hội trước. Tuy nhiên, cổ đông khá bức xúc với cách điều hành yếu kém của Hội đồng Quản trị cũ khiến Eximbank rơi vào khủng hoảng.

Hôm nay (21/4), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank (HOSE: EIB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2017. Đại hội lần này, Hội đồng quản trị Eximbank đã trình Đại hội đồng cổ đông thông qua một loạt vấn đề về hoạt động cũng như nhân sự mà cả 3 kỳ họp trước đều không có kết quả cuối cùng.

Kỳ đại hội lần này diễn ra bình yên và cổ đông khá hiền hơn so với những căng thẳng của những lần đại hội trước
Kỳ đại hội lần này diễn ra "bình yên" và cổ đông khá "hiền" hơn so với những căng thẳng của những lần đại hội trước

HĐQT cũ "vung tay quá trán"

Theo ghi nhận của PV, kỳ đại hội lần này diễn ra "bình yên" và cổ đông khá "hiền" hơn so với những căng thẳng của những lần đại hội trước. Tuy nhiên, cổ đông khá bức xúc với cách điều hành yếu kém của Hội đồng Quản trị (HĐQT) cũ khiến Eximbank rơi vào khủng hoảng.

Một cổ đông sáng lập đề nghị chủ tọa đoàn công khai về các nhân sự đã đưa ra các quyết định sai phạm làm phương hại đến hoạt động của Eximbank và quyền lợi của cổ đông giai đoạn vừa qua. "HĐQT mới phải thu hồi bằng được số tiền đã chi trả vượt mức cho HĐQT cũ, đồng thời truy xét về nguyên nhân vì sao Ban kiểm soát lại để HĐQT thu vượt mức như vậy?", một cổ đông đề nghị.

Nhiều cổ đông cho rằng, HĐQT cũ đã làm thất thoát số tiền lớn khi đi thuê địa điểm kinh doanh trong khi có mặt bằng kinh doanh tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm và cơ sở Nguyễn Chí Thanh. Cổ đông bức xúc: “HĐQT cũ tại sao lại đập bỏ cơ sở Lê Thị Hồng Gấm mà đi thuê với chi phí cao?". Có cổ đông cũng đề nghị Eximbank nên đưa vào Nghị quyết không sáp nhập với ngân hàng nào khác trừ khi được Ngân hàng Nhà nước chỉ định.

Trả lời vấn đề này, chủ tọa đoàn cho biết, về việc HĐQT cũ "vung tay quá trán" tài chính, HĐQT mới sẽ triển khai thu bằng được số tiền chi vượt đó. Đối với thắc mắc liên quan mặt bằng tại đường Lê Thị Hồng Gấm và Nguyễn Chí Thanh, HĐQT cho biết, dự án tại Lê Thị Hồng Gấm vẫn đang còn trong giai đoạn tư vấn, thiết kế và hướng triển khai. Còn mặt bằng Nguyễn Chí Thanh thì đã tiến hành xong tư vấn và triển khai sửa chữa để đưa vào hoạt động. HĐQT đang nghiên cứu và báo cáo cho ĐHĐCĐ phương án xây dựng cụ thể.

Tài liệu tại đại hội cho thấy, năm 2016, tổng tài sản Eximbank đạt 128.828 tỷ đồng, tăng 3,2% so với 2015, vốn chủ sở hữu đạt 13.448 tỷ đồng, tăng 2,3%, huy động vốn đạt 102,351 tỷ đồng tăng 4%, tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 95.511 tỷ đồng giảm 0,7%, trong đó dư nợ cho vay vẫn tăng 2,5% so với 2015 tương đương đạt 86.891 tỷ đồng, nợ xấu nhóm 3-5 là 2.560 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 2,95%. Lợi nhuận trước thuế 2016 của Eximbank đạt 391 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là 17,12%. Ngân hàng không có kế hoạch chia cổ tức.

HĐQT Eximbank thừa nhận, kết quả kinh doanh năm 2016 chưa hoàn toàn khả quan. Các cổ đông vẫn mong muốn và đòi hỏi chiến lược kinh doanh của Eximbank cần được HĐQT chi tiết hóa rõ ràng hơn và tôn trọng quyền lợi của cổ đông bởi đã nhiều năm qua, đồng vốn của họ đưa vào Eximbank chưa được nhận đồng nào cổ tức.

Chủ tọa đoàn của đại hội cho biết, hiện Eximbank vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết và có thể đến giữa năm 2018 mới có thể hoàn tất. HĐQT “hứa” với cổ đông phải mất nửa năm đến năm sau mới khắc phục được các vấn đề của ngân hàng để có chính sách cổ tức, trên cơ sở xin ý kiến cơ quan quản lý, với cổ đông.

Cổ đông khá bức xúc với cách điều hành yếu kém của Hội đồng Quản trị (HĐQT) cũ khiến Eximbank rơi vào khủng hoảng
Cổ đông khá bức xúc với cách điều hành yếu kém của Hội đồng Quản trị (HĐQT) cũ khiến Eximbank rơi vào khủng hoảng

Chưa thoái vốn khỏi Sacombank

Ban lãnh đạo Eximbank cũng nói về việc thoái vốn toàn bộ khỏi Sacombank. Chủ trương thoái vốn nhằm tập trung nguồn lực cho hoạt động ngân hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đã có. Thế nhưng, việc thoái vốn phụ thuộc nhiều vào tình hình của Sacombank và giá cổ phiếu, thị trường. Ban lãnh đạo Eximbank đang tìm đối tác để có mức giá tốt và chọn thời điểm phù hợp để thoái vốn. Đồng thời, chỉ tiêu lợi nhuận năm 2017 chưa bao gồm thoái vốn khỏi Sacombank.

Cổ đông yêu cầu chủ toạ đoàn giải thích lý do vì sao Eximbank lại rút lại tờ trình miễn nhiệm ông Cao Xuân Ninh dù trước đó, HĐQT đã chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Cao Xuân Ninh, từ ngày 24/3 không tham gia làm việc tại EIB. Chủ tọa đoàn cho rằng, trường hợp của ông Ninh không gia họp đều có lý do. Đến nay, theo quy định của pháp luật chưa cho thấy vi phạm của ông Ninh.

Về tình hình kinh doanh quý I/2017, ban lãnh đạo Eximbank cho biết, đến ngày 31/3/2017, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 55% xuống 45%, thấp hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn tăng trưởng 7,7% so với cuối 2016, tín dụng trong 3 tháng đầu năm không tăng trưởng, trong đó thu hồi trước hạn khoảng 500 tỷ đồng theo kết luận thanh tra Ngân hàng Nhà nước.

Năm 2017, Eximbank đặt chỉ tiêu kinh doanh với tổng tài sản đạt 150.000 tỷ đồng tăng 16% so với 2016, huy động vốn đạt 120.000 tỷ đồng tăng 17%, dư nợ cấp tín dụng đạt 108.875 tỷ đồng tăng 14%, tiếp tục xử lý nợ xấu, thu hồi nợ và đưa nợ xấu dưới 3%, lợi nhuận trước thuế đạt 600 tỷ đồng.

Cũng theo Lãnh đạo Eximbank hiện các chỉ tiêu kinh doanh của Eximbank đã được cải thiện song các chỉ số an toàn vẫn chưa lạc quan. Trong chiến lược kinh doanh của mình, Eximbank cũng sẽ tiếp tục tập trung vào các thế mạnh cốt lõi, hướng đến đảm đảm bảo các chỉ số an toàn theo quy định.

Công Quang