1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cổ đông công ty nhà Cường "đôla" giàu to; dân đầu tư căng thẳng

Mai Chi

(Dân trí) - Giữa bối cảnh thị trường rung lắc, nhà đầu tư căng thẳng thì QCG của Quốc Cường Gia Lai vẫn đạt được trạng thái tăng trần. Mã cổ phiếu này đến nay đã tăng hơn 30% trong vòng 1 tháng qua.

Chỉ còn cách đỉnh lịch sử 1.200 điểm một đoạn ngắn, tuy nhiên, chặng đường tới mốc 1.200 điểm trước mắt của VN-Index vẫn rất gian nan.

Trong sáng nay (3/3), VN-Index rung lắc, "co giật" khá mạnh. Phần lớn thời gian, chỉ số này hoạt động dưới đường tham chiếu và tạm đóng cửa với mức giảm 4,5 điểm tương ứng 0,38% còn 1.182,11 điểm.

Cổ đông công ty nhà Cường đôla giàu to; dân đầu tư căng thẳng - 1

Diễn biến của VN-Index và VN30-Index trong sáng 3/3

Ngược lại, chỉ số HNX-Index có phần diễn biến thuận lợi hơn, tăng 3,64 điểm tương ứng 1,47% lên 251,58 điểm; UPCoM-Index tăng 0,6 điểm tương ứng 0,78% lên 78,06 điểm.

Áp lực trong thử thách vượt đỉnh lần này của VN-Index là dễ hiểu bởi những lần trước, ngay khi chỉ số này đạt được tới mốc quan trọng 1.200 điểm là hoạt động chốt lời diễn ra ồ ạt và không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ rơi vào trạng thái bị động do chỉ số rơi vào chuỗi lao dốc ngay sau đó.

Theo đó, ở trong lần vượt cạn này, chỉ cần VN-Index đi qua ngưỡng 1.180 điểm là lập tức một bộ phận rất lớn nhà đầu tư đã xả cổ phiếu để chốt lời nhằm hiện thực hóa lợi nhuận. Trong số này bao gồm cả nhà đầu tư tổ chức, khối ngoại, khối tự doanh.

Hơn nữa, việc không có sự dẫn dắt của những trụ lớn khiến thị trường khó có được bứt phá. Đến lúc này, VIC, VHM, VCB, VNM, SAB, GVR, MSN, BID đều đang giảm giá.

Nhóm tăng giá khỏe và bền bỉ như VPB, CTG, BCM, DCM, DGC, POM, VCF tuy có ảnh hưởng tích cực đến thị trường nhưng mức tác động khiêm tốn, không đủ tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi.

Điểm tích cực và hỗ trợ thị trường chính là dòng tiền vẫn đổ vào rất mạnh và không cho chỉ số xuống quá sâu trong mỗi nhịp "nhúng".

Theo ước tính của Công ty chứng khoán VPS, đến hết phiên sáng nay, dự tính khối lượng khớp lệnh trên sàn HSX vượt 23% khối lượng giao dịch trung bình 5 phiên.

Cụ thể, trên HSX, khối lượng giao dịch đạt 419,15 triệu cổ phiếu tương ứng 10.486,31 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 68,79 triệu cổ phiếu tương ứng 1.130,77 tỷ đồng và trên UPCoM là 38,53 triệu cổ phiếu tương ứng 587,66 tỷ đồng.

Một số mã đang được giao dịch khá mạnh là HPG (17,5 triệu cổ phiếu), SHB (13,69 triệu cổ phiếu), MBB (12,47 triệu cổ phiếu), STB (12,41 triệu cổ phiếu). Tuy nhiên, những mã này đều đang bị chốt lời mạnh và giảm giá.

Trên quy mô toàn thị trường, độ rộng vẫn đang nghiêng về phía các mã tăng giá với 439 mã tăng, 66 mã tăng trần so với 390 mã giảm, chỉ có 8 mã giảm sàn.

Trong khi nhóm vốn hóa lớn chịu áp lực chốt lời thì cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa lại say sưa với "bữa tiệc" tăng trần. QCG của Quốc Cường Gia Lai tăng trần lên 9.370 đồng, khớp lệnh hơn 1,4 triệu đơn vị, không hề có dư mua, dư mua trần gần 1 triệu cổ phiếu. Trong 1 tháng qua, QCG đã tăng giá hơn 30%.

Cổ đông công ty nhà Cường đôla giàu to; dân đầu tư căng thẳng - 2

Thị giá QCG tăng hơn 30% trong vòng 1 tháng qua

IDI, MCG, RIC, CRC, DTT, SHI, STK… cũng tăng kịch biên độ, nhà đầu tư đặt lệnh với mức giá cao nhất song vẫn khó khớp lệnh.

Nhóm cổ phiếu ngành thép đang tăng trưởng mạnh với trạng thái tăng trần tại BVG, KKC, TLH; VGS tăng 9,4%; SSM tăng 6,8%; POM tăng 6,4% và NKG tăng 6%. Trong phiên, một số cổ phiếu ở nhóm này vẫn chịu áp lực chốt lời và có thời điểm giảm. Nhà đầu tư nếu chớp được thời cơ điều chỉnh để "vào hàng" đã có thể nhận được mức lãi với biên độ cao.

Chẳng hạn, cổ phiếu VGS có lúc đã giảm về 17.500 đồng trước khi tăng lên 9,4% và có thời điểm tăng trần lên 19.800 đồng; TLH cũng có lúc giảm về 9.670 đồng trước khi tăng lên 10.350 đồng. NKG có thời điểm đạt giá trần 20.400 đồng nhưng trong phiên chỉnh về 18.650 đồng.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán SHS, trong ngắn hạn, thị trường có thể sẽ cần thêm thời gian để tích lũy dưới ngưỡng 1.200 điểm trước khi có thể bứt phá khỏi ngưỡng này trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, xu hướng trung hạn tiếp tục là tích cực do thị trường đang trong sóng tăng lần thứ 5 với mục tiêu trên lý thuyết quanh ngưỡng 1.250 điểm dự kiến sẽ đạt được vào đầu tháng 4/2021.

Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 này sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể quay trở lại thị trường nếu có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh quanh ngưỡng 1.130 điểm hoặc chờ đợi thị trường bứt phá khỏi ngưỡng 1.200 điểm sau một thời gian tích lũy quanh vùng đỉnh.